Nghiên cứu mới đây về bệnh tâm thần phân liệt đã cung cấp thêm bằng chứng rằng: hệ vi sinh vật đường ruột, và các chất chúng sản sinh ra có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần ở con người.
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Sciences Advances do các nhà khoa học từ Đại học Y Trùng Khánh và Đại học Tôn Trung Sơn, Trung Quốc, Đại học Y ngoại ô SUNY, và nhiều trường khác phối hợp thực hiện. Họ đã dùng phương pháp khảo sát vùng gen 16S ARN để so sánh cấu trúc hệ vi sinh vật đường ruột ở hàng loạt bệnh nhân tâm thần phân liệt đã hoặc không dùng thuốc điều trị, cũng như ở các tình nguyện viên khỏe mạnh làm đối chứng.
Nhìn chung, kết quả cho thấy hệ vi sinh vật đường ruột ở những người bị tâm thần phân liệt kém đa dạng và có một số thay đổi so với hệ vi sinh vật đường ruột ở những người khỏe mạnh. Nhóm nghiên cứu đã thu hẹp nghiên cứu trên một số taxa vi khuẩn nhất định có liên quan rõ rệt tới bệnh tâm thần phân liệt và mức độ trầm trọng của các triệu chứng tâm thần phân liệt. Họ cũng đánh giá sâu hơn kết quả bằng cách đo các chỉ số về hệ thần kinh trung ương và chất chuyển hóa ngoại vi, cũng như giải trình tự metagenomics vi khuẩn đường ruột ở chuột vô khuẩn đã được cấy phân của bệnh nhân tâm thần phân liệt.
Trước đó, nhiều nghiên cứu cũng đã nhắc đến việc hệ vi sinh vật đường ruột và trục não – ruột – hệ vi sinh vật có thể liên quan tới những tình trạng như lo âu, rối loạn trí nhớ và nhận thức. Trong nghiên cứu này, các tác giả Bành Tấn, Hồng Ngụy và Julio Licinio viết: “Những kết quả thu được gợi ý rằng chỉ riêng hệ vi sinh vật đã có khả năng thay đổi chức năng và phản ứng hóa học trên não, và từ đó có thể dẫn tới bệnh tâm thần phân liệt.”
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng kỹ thuật khảo sát vùng gen 16S V3 và V4 rARN của Illumina để xác định các thành phần vi khuẩn ruột ở mẫu phân tươi đông lạnh của 58 bệnh nhân. Các bệnh nhân này đã được điều trị bằng thuốc chống loạn thần nhưng vẫn còn triệu chứng bệnh. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng tiến hành kỹ thuật này trên mẫu phân của 5 người bệnh tâm thần phân liệt nhưng không dùng thuốc và 69 người khỏe mạnh làm đối chứng.
Trong số 864 đơn vị phân loài (OTUs) được định danh, nhóm nghiên cứu thấy rằng 56 đơn vị phân loài độc chiếm trong đường ruột các bệnh nhân tâm thần phân liệt, trong khi 64 đơn vị phân loài khác gần như chỉ có ở những người khỏe mạnh đối chứng. Ở các bệnh nhân tâm thần phân liệt, họ vi khuẩn Veillonellaceae, Prevotellaceae, Bacteroidaceae, và Coriobacteriaceae có xu hướng phát triển mạnh hơn, nhưng đa dạng alpha và mức độ dồi dào của vi khuẩn nhìn chung lại bị giảm xuống.
Trong một loạt thí nghiệm tiếp theo, nhóm nghiên cứu tập trung vào các vi khuẩn có sự khác biệt giữa người bị tâm thần phân liệt và người khỏe mạnh, định danh các vi khuẩn liên quan tới mức độ nghiêm trong của các triệu chứng bệnh, và chứng minh vi khuẩn đường ruột từ bệnh nhân tâm thần phân liệt có thể gây ra trên chuột những thay đổi về hành vi, thay đổi trên vùng hồi hải mã, công thức máu và các chất chuyển hóa trong phân.
Những phát hiện về chuyển hóa và gen trong những con chuột này cho thấy: sự thay đổi về hệ vi sinh vật đường ruột có thể liên quan tới sinh lý bệnh của bệnh tâm thần phân luật thông qua con đường chuyển hóa amino acid và lipid (não – ruột – hệ vi sinh vật).
Các nhà khoa học sẽ tiếp tục tiến hành những dự án mới để tìm hiểu sâu thêm về mối liên hệ não – ruột – hệ vi sinh vật trong căn bệnh tâm thần phân liệt này, và hứa hẹn mở ra những phương án điều trị tích cực trong tương lai.