Bệnh viêm da tiếp xúc do kiến khoang, tên khoa học là Paederus gây nên. Côn trùng này gây viêm da tiếp xúc ở phần hở: mặt, cổ, tay… do độc tố của côn trùng gây ra.
Mục lục
Dân gian gọi côn trùng này bằng nhiều tên khác nhau: kiến khoang, kiến lác, kiến gạo cằm cặp, kiến nhót, kiến cong đít… Loại kiến này đầu nhỏ có hai râu đơn chia đốt mở rộng về phía trước. Mình mang ba đôi chân. Bụng có tám đốt rất dẻo uốn cong dễ dàng. Một số đốt màu đỏ hung, một số đốt màu đen, đốt cuối cùng nhọ có hai cặp. Trên mình có hai đôi cánh, cánh cứng ở ngoài che khoảng 3-4 đốt bụng, cánh lụa ở dưới. bình thường cánh lụa cuộn gọn dưới cánh cứng, khi bay thì mới xòe ra. Chúng làm tổ dưới đất nơi giáp ranh với nước, sống chủ yếu bằng chất phân hủy của thực vật, đôi khi của cả động vật.
Dịch tễ học
Chúng sinh sản quanh năm nhưng chủ yếu vào mùa mưa, thời tiết nóng ẩm. Đây là loại côn trùng vùng nhiệt đới nóng ẩm.
Vào mùa mưa ban đêm kiến khoang theo ánh đèn bay vào phòng làm việc, phòng ngủ, buồng tắm. Người bệnh làm việc, ngủ, tắm dưới ánh đèn bị côn trùng rơi vào cổ, mặt, phần hở thân mình vô tình giơ tay quyệt, đập làm côn trùng có chứa chất pederin xiết lên da, hoặc côn trùng bám vào khăn mặt rơi vào bồn rửa, người bệnh không chú ý nên xát phải côn trùng lên da và gây viêm da phỏng nước.
Người ta đã chiết xuất từ côn trùng có một chất độc tính gây ra phỏng nước gọi là Pederin, chất này bôi lên da chuột bạch gây phản ứng viêm mạnh; bôi lên da người gây phản ứng bọng nước.
Biểu hiện lâm sàng
Bệnh thường phát vào tháng 7 đến tháng 10, nghĩa là vào mùa mưa. Vì mùa mưa làm ngập đồng ruộng, cống rãnh, mất chỗ ở côn trùng bay theo ánh đèn vào các nhà (nhà gần ruộng, nhà 1-2 tầng thì bị nhiều hơn). Nên đại đa số người bệnh là người làm việc dưới ánh đèn, công tác văn phòng, học sinh.
Hơn 60% người bệnh phát bệnh đầu tiên vào buổi sáng.
Đặc điểm lâm sàng và diễn biến tổn thương:
Ban đầu người bệnh thấy hơi ngứa rát, căng da, biểu hiện đỏ một vùng da, sau 6-12 giờ thành một đám hơi nền, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều 1-5 mm, 1-3 ngày sau thành phỏng nước phỏng mủ. Lúc này thấy cảm giác đau, rát càng tăng. Có thể kèm theo ngây ngấy sốt, khó chịu, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương. Nếu tổn thương ở gần mắt có thể sưng húp cả hai mắt, 2-3 ngày mới đỡ, ở bẹn có thể nổi hạch bẹn sưng đau khó đi lại.
– Các phỏng mủ tiến triển ngoài 3 ngày thì đóng vảy tiết khô dần, khi rụng vảy để lại vết sẫm màu, toàn bộ đợt tiến triển có thể kéo dài 5-20 ngày.
– Một số ít người bệnh chỉ nổi vết đỏ, lấm tấm mụn nước nhỏ hơi ngứa, lặn sau 3-5 ngày, không thành phỏng nước, phỏng mủ.
– Trong một mùa mưa người bệnh có thể bị 2-3 lần.
– Về xét nghiệm không có biến đổi gì đặc biệt. Trừ một số trường hợp tổn thương phỏng mủ rộng, sưng đau, sốt bạch cầu có thể cao.
Chẩn đoán phân biệt
Cần phân biệt với viêm da do nguyên nhân khác như hóa chất, sơn; Zona, viêm da tiếp xúc do lá cây, viêm da tiếp xúc do mỹ phẩm….
Điều trị
– Dùng các dung dịch dịu da, sát khuẩn nhẹ như: dung dịch Milian, Castellani, hồ nước bôi thương tổn phỏng nước phỏng mủ.
– Khi thương tổn khô, bong vảy không tiết dịch ta bôi mỡ kháng sinh: mỡ Tetraxyclin, FucidinH…
– Nếu tổn thương vùng quanh mắt; nên rửa bằng nước muối 9%, sau đó bôi mỡ kháng sinh tra mắt: mỡ Tetraxyclin, CloroxitH.
– Nếu nặng hơn kết hợp với uống kháng sinh, kháng Histamin, giảm đau.
Phòng bệnh
– Khi làm việc dưới ánh đèn tránh phản xạ quyệt tay khi có cảm giác côn trùng rơi vào cổ.
– Buổi tối khi tắm rửa chú ý giũ mạnh khăn mặt trước khi dùng.
– Vào mùa mưa đề phòng côn trùng bay vào nhà ta có thể xịt thuốc diệt côn trùng
– Buổi tối đóng kín cửa và lắp lưới chống côn trùng
– Khi bắt đầu thấy rát ở vùng da có thể rửa vùng đó bằng nước muối sinh lý, nước xà phòng hoặc nước vôi nhì để ngăn không nổi thành phỏng nước, phỏng mủ, ngay cho vết thương không lan rộng ra.
Benh.vn