Thân thể sinh ra, ai cũng yêu quý và trân trọng. Ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời chúng ta đã được sống trong vòng tay yêu thương của bố mẹ, của gia đình…vì vậy ít ai nghĩ đến chuyện hiến xác khi đang còn sống.
Nghĩa cử đáng kính
Khi quan niệm về tín ngưỡng còn nặng nề thì việc hiến xác cho khoa học là một quá trình gian nan đấu trí với bản thân, với gia đình và dòng tộc. Chính những người dũng cảm vượt qua tất cả để quyết định hiến xác sau khi chết đã góp phần vào sự thành công cho tay nghề của các bác sĩ nói riêng và cho hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học hình thái nói chung cũng như sự tiến bộ không ngừng của y học.
Sinh viên ngành y tri ân những người đã hiến xác cho khoa học
Sự cống hiến thân xác của người đã chết cho sự nghiệp y khoa là một nghĩa cử thiêng liêng. Nghĩa cử cao đẹp này được các thầy cô và sinh viên ngành y trân trọng và xem như một người thầy thầm lặng. Là tấm gương giáo dục sinh viên khi ra trường phải biết sống và cống hiến hết mình vì y nghiệp.
Quyết định không báo trước
Sinh ra tại Campuchia, bà Lê Thị Hoàng Oanh năm nay 66 tuổi, một lòng theo Cách mạng từ thuở bà mới 18 tuổi. Sau ngày đất nước thống nhất, bà được điều về công tác tại văn phòng phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại TP.HCM. Bà Oanh kể về quyết định hiến xác của mình:” trong một lần đi cùng người bạn làm bác sĩ và chứng kiến người bạn thân mất trong một vụ tai nạn, bà suy nghĩ giữa sự sống và cái chết.
Trong chiến tranh bom đạn của địch không làm mình ngã xuống, nếu chẳng may trúng phải bom B52 thì còn đâu là thân xác . Vậy tại sao giờ không chọn một cái chết có ý nghĩa”
“Chết là hết. Thân xác chỉ có giá trị khi con người ta đang sống và cống hiến được gì cho xã hội. Những nấm mồ chỉ là hình hài của đất, một thời gian nhất định rồi cũng tan chảy ra với đất mà thôi” Đó là quan niệm của vợ chồng ông Lê Văn Thân, ở tổ dân phố 100, khu phố 14, phường 10, quận Gò Vấp, TP.HCM – hai trong những người tiên phong hiến xác cho y học
Khi về với cát bụi, ông bà Thân, Tuyến muốn thân xác của mình vẫn trở nên có ích.
Nghệ sỹ ưu tú Thành Lộc: Khi chết tôi sẽ hiến xác cho y học
Nguyễn Thành Lộc một diễn viên hài kịch nổi tiếng của Việt Nam. Ngoài thành công trong lĩnh vực sân khấu kịch, Thành Lộc còn đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau như: người dẫn chương trình, diễn viên điện ảnh, đạo diễn sân khấu….. Là một người theo đạo Phật, anh sống nặng về tâm linh, anh tâm sự: “Tôi sẽ hiến xác mình cho y học, ngay cả chết cũng nên lựa chọn một cái chết có ích”.
Cả gia đình hiến xác cho y học
Gia đình bà Nguyễn Thị Lê Phương ở phường 12 quận Bình Thạnh: “Lúc còn sống cơ thể mình rất quý giá vì cha mẹ đã sinh ra cho ta hình hài này, ta phải biết quý trọng nó, nhưng khi chết đi thân thể đáng quý đó xét cho cùng rồi cũng sẽ trở về với cát bụi.
Trong khi đó rất nhiều người cần thì tại sao ta không dùng xác của mình giúp ích cho nhiều người: sinh viên y khoa cần xác để thực hành, người sống cần một vài bộ phận nào đó để kéo dài sự sống của mình” Nghĩ như vậy, nên cả nhà bà Lê Phương thống nhất đi đăng ký hiến xác.
Và còn hàng nghìn, hàng nghìn người khác trên đất nước này với đầy đủ tầng lớp, các lứa tuổi tình nguyện hiến xác cho khoa học. Mỗi người, mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng họ có chung một tình yêu thương nhân loại, nguyện vọng được giúp ích cho người bệnh và sự phát triển của nền y học nước nhà.
“Có những cái chết làm nên lịch sử, có những cái chết hóa thành bất tử” đó là lời tri ân của đội ngũ bác sỹ trang Benh.vn dành tặng và tôn vinh những người đã hiến xác cho ngành y học Việt Nam.
Benh.vn