Quả mướp đắng (khổ qua) là món ăn thanh nhiệt, giải độc, bổ gan, giảm cholesterol… rất thích hợp cho những ngày hè. Tuy nhiên, không phải ai cũng nên ăn mướp đắng, đặc biệt người mắc 1 số bệnh phổ biến sau đây, cân nhắc dùng loại quả này nếu không muốn thần dược thành độc dược.
Mục lục
Tìm hiểu về mướp đắng
Mướp đắng (còn gọi là khổ qua) là loại thực phẩm rất được ưa chuộng ở Việt Nam. Mướp đắng là dạng cây leo, mọc ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc họ bầu bí, có quả ăn được, thuộc loại đắng nhất trong các loại rau quả.
Ngoài Việt Nam, mướp đắng còn được trồng rộng rãi ở Ấn Độ, Pakistan, Nam Phi, Đông Nam Á, Trung Quốc, châu Phi và vùng Caribe.
Các bộ phận của mướp đắng gồm rễ, hoa và quả đều được thu hái để làm thuốc hoặc thực phẩm. Nếu dùng quả để vị thuốc nên chọn các quả có màu vàng lục, đem phơi khô hoặc sao tuỳ thuộc vào mục đích sử dụng.
Tác dụng của quả mướp đắng
Theo đông y, quả mướp đắng có vị đắng, tính hàn, quy vào kinh Tâm, Can, Tỳ, Vị. Theo y học hiện đại, mướp đắng có chứa thành phần hóa học rất đa dạng. 1 số hoạt chất tốt được phát hiện bao gồm b-sitosterol-b-D-glucoside, charantin, saponin, adenine, beatin, vitamin B1, vitamin C, ancaloid, momordicin, dầu, chất đắng, carotene,…Nhờ đó, mướp đắng có nhiều tác dụng có lợi với sức khoẻ con người
- Kích thích ăn uống, tiêu viêm, thoái nhiệt.
- Phòng chống ung thư.
- Giảm thấp đường huyết, tốt cho người tiểu đường
- Được sử dụng khi tắm cho trẻ em (chữa rôm sảy)
- Chữa ho.
- Chữa thấp khớp…
Mướp đắng tiêu viêm, thoái nhiệt, giảm thấp đường huyết…
Hậu quả khó lường từ những trái mướp đắng
Mướp đắng tốt là vậy nhưng không biết cách dùng, thần dược lại hoá độc dược. Câu chuyện được chia sẻ sau đây của Chị N.T.H ( Long Biên, Hà Nội) là một ví dụ điển hình:
“Làm dâu trong một gia đình có nguồn gốc Nam Bộ nên chị H thường xuyên sử dụng mướp đắng làm món ăn cho gia đình.
Ngoài những món sở trường như canh mướp đắng nhồi thịt, mướp đắng xào trứng, xào thịt bò… được chị H sử dụng thường xuyên trong thực đơn. Chị H còn dùng mướp đắng thái mỏng, phơi khô để sử dụng làm nước uống hàng ngày.
Cuộc sống cứ tuần tự trôi và chị H cũng không biết hậu quả của loại quả này nếu có một ngày chị bị mệt, ngất xỉu và phải vào bệnh viện điều trị.
Sau khi khám, bác sỹ kết luận chị H bị tiền sử huyết áp thấp (90/60) lại làm việc quá sức và lạm dụng mướp đắng nên huyết áp càng giảm, gây mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt và dẫn đến hậu quả trên”.
Sau khi ở bệnh viện về, chị H đã chia sẻ kiến thức về quả mướp đắng từ chính cuộc sống của mình cho những người xung quanh. Nhờ đó, một số người có vấn đề về tiêu hóa, người bị bệnh gan, thận, huyết áp thấp… đã nhận biết để hạn chế dùng loại quả này.Ngược lại, những người bị tiểu đường, nhiệt miệng, ho… thì có cơ hội làm quen với loại quả có tác dụng chữa bệnh phù hợp.
Những người không được ăn quả mướp đắng
Người huyết áp thấp
Đối với những người đang bị huyết áp thấp (hoặc đã từng bị huyết áp thấp) đều được khuyến cáo không nên ăn mướp đắng.
Nguyên nhân do mướp đắng có tác dụng giảm huyết áp. Vì vậy, khi ăn mướp đắng sẽ khiến huyết áp thấp hơn, gây mệt mỏi, đau đầu, hoa mắt chóng mặt…
Người có vấn đề về tiêu hóa
Đối với những người bị bệnh về tiêu hóa, không nên lạm dụng mướp đắng. Vì khi ăn quá nhiều loại quả này sẽ khiến bạn bị tiêu chảy và bị các vấn đề về dạ dày.
Vì vậy, khi trời nóng nực, nếu quá thèm món canh mướp đắng thì có thể ăn một chút cho đỡ nhớ. Nhưng cần nhớ nguyên tắc nói không với loại quả này.
Người bị bệnh gan, thận
Người bị bệnh về gan và thận cần tránh ăn mướp đắng vì chúng rất khó tiêu hóa, khi ăn nhiều có thể gây đầy hơi.
Ngoài ra, những người bị thiếu men G6PD (loại men có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa của tế bào hồng cầu) nên tránh xa loại quả này.
Người huyết áp thấp, bị bệnh gan, thận, tiêu hóa… không nên ăn mướp đắng
Phụ nữ mang thai và cho con bú
Mướp đắng là loại thực phẩm không dùng cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Nguyên nhân chính là do mướp đắng kích thích tử cung và có thể dẫn đến sinh non. Phụ nữ đang cho con bú cũng không nên ăn mướp đắng. 1 số hoạt chất trong quả này không tốt cho em bé.
Ngoài ra, do mướp đắng rất ít chất xơ và quá ít chất béo nên không phù hợp cho chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và sản phụ sau sinh.
Bên cạnh đó, việc ăn mướp đắng có thể gây giảm đường huyết. Các hạt mướp đắng có chứa một chất tên là vicine. Đây là độc tố có khả năng gây ra hội chứng cấp tính như nhức đầu, đau thắt bụng và hôn mê với người nhạy cảm.
Như vậy, không phải ai cũng nên ăn mướp đắng đâu nhé. Hãy nắm rõ tình trạng của từng thành viên trong gia đình để đảm bảo những món ăn từ mướp đắng ngon, đủ dinh dưỡng và khoẻ mạnh.
Hải Yến (Benh.vn)