Xoắn dây rốn có thể xảy ra ngay cả khi dây rốn có độ dài bình thường hay bất thường. Ranh giới của việc xoắn dây rốn vô hại và xoắn dây rốn có hại rất khó lường.
Số lượng vòng xoắn có thể dẫn đến những biến chứng đe dọa mạng sống của thai nhi phụ thuộc vào chiều dài dây rốn. Trung bình, dây rốn sẽ chịu được một vòng xoắn cho mỗi 5 cm dây rốn.
Hiện nay với sự tiến bộ vượt bậc của y học, rất nhiều phương pháp giúp đánh giá sức khỏe thai, hỗ trợ các bác sĩ trong việc đánh giá các nguy cơ và phòng ngừa rủi ro cho mẹ và bé. Các phương pháp đó bao gồm siêu âm doppler mạch máu rốn, động mạch não giữa đo các các chỉ số xung động và chỉ số kháng trở mạch máu; hay đo tim thai (nonstress test, stress test).
Tuy nhiên, những phương pháp này đều không xác định chắc chắn thai sẽ tử vong nếu như kết quả bất thường. Do vậy, khi có một kết quả ghi nhận bất thường, bác sĩ phải tiến hành thêm phương pháp hỗ trợ khác để tránh việc can thiệp quá mức.
Bất thường liên quan đến dây rốn là một trong những rủi ro khó lường nhất trong quá trình theo dõi thai.
Trường hợp an toàn cho mẹ và bé khi bị xoắn dây rốn
Ngày 24-6, BS CKII Nguyễn Thụy Thúy Ái, Trưởng tua trực, cùng êkíp phẫu thuật Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ đã chủ động phẫu thuật lấy thai thành công cho sản phụ tên Lan, 32 tuổi, ngụ xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, Sóc Trăng, trường hợp song thai xoắn dây rốn hiếm gặp
Ca phẫu thuật thành công với sự chào đời của hai bé gái xinh xắn có cân nặng lần lượt là 2.400 g và 1.900 g. Hiện tại tình hình sức khỏe của mẹ và hai bé ổn định, bé có phản xạ bú tốt.
BS CKII Nguyễn Thụy Thúy Ái nhận định: “Đây là một trường hợp thai kỳ nguy cơ cao cho cả mẹ và con do sản phụ bị thiếu máu, mang song thai/con so, một bánh nhau, một buồng ối nên có thể dẫn đến mất tim thai bất cứ lúc nào do xoắn dây rốn. Ngoài ra, mẹ còn có nguy cơ băng huyết sau sanh. Vì vậy, các sản phụ nên đăng ký khám thai và theo dõi thai định kỳ tại BV chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn và quản lý thai kỳ cẩn thận. Khi có dấu hiệu bất thường, các sản phụ cần nhập viện sớm để có thể phát hiện các nguy cơ và xử trí kịp thời”.
Trường hợp khác
Ngày 6/6, sản phụ Huỳnh Thị Diệu Thảo (23 tuổi, trú thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) được người thân đưa vào khoa sản bệnh viện GTVT Thừa Thiên-Huế để chờ sinh con. Đến chiều 11/6, chị Thảo chuyển dạ và bị kiệt sức nên người nhà yêu cầu bệnh viện phẫu thuật, nhưng bác sĩ nói sản phụ vẫn bình thường, cho sinh thường không cần mổ.
Người thân xin chuyển chị Thảo lên tuyến trên nhưng bác sĩ của không chấp nhận. Đến 23h30 cùng ngày, sản phụ sinh nhưng em bé bị tím tái và có dấu hiệu chết lâm sàng.
Bệnh viện tiến hành hồi sức tích cực nhưng tình trạng cháu bé không khá lên. Đến lúc này, bệnh viện mới chuyển trẻ đến cấp cứu tại bệnh viện Trung ương Huế, nhưng đến chiều 14/6 thì bé tử vong.
Theo bác sĩ Lý Văn Thắng, giám đốc bệnh viện GTVT Thừa Thiên – Huế, nguyên nhân dẫn đến việc cháu bé sơ sinh tử vong là do bị xoắn dây nhau một vòng ở cổ gây ra ngạt thở.
Đau thương không thể trả bằng tiền cũng không thể chỉ là bài học. Chửa là cửa mả ai cũng biết vậy nhưng chúng ta hãy cố gắng để không phải nói từ “giá như”.