Đôi khi trong cuộc sống, những sự cố hy hữu xảy ra như chảy máu cam, té ngã, ngất…nếu không biết cách xử trí sẽ khiến cho việc điều trị lâu hơn. Đặc biệt, khi có người bị ngất, nếu áp dụng những động tác khoa học sẽ giúp bệnh nhân mau chóng tỉnh lại. Qua đó góp phần hỗ trợ bác sĩ trong việc điều trị cho bệnh nhân sau này…
Mục lục
Các nguyên nhân gây ngất và phân loại khi bị ngất
Ngất là tình trạng mất ý thức đột ngột. Khi bị ngất, bệnh nhân không nhận biết được xung quanh. Do đó, nếu không có người phát hiện ra, sẽ hết sức nguy hiểm cho người bị ngất. Có một số nguyên nhân chính dẫn tới việc bị ngất như sau.
Ngất do đối giao cảm (còn gọi là ngất đơn thuần)
Ngất đơn thuần thường gặp ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân gây ngất bắt nguồn từ nhiều yếu tố gồm cảm xúc, mệt mỏi quá sức, mất máu, đứng lâu…
Đối với loại ngất này, bệnh nhân thường hồi phục ý thức nhanh, trong khoảng từ vài giây đến vài phút.
Ngất do tim mạch
Ngất do tim mạch thường xảy ra khi nằm nghỉ, khi gắng sức hoặc có tiền sử bệnh tim như ngừng tim, rối loạn nhịp, hẹp động mạch chủ, động mạch phổi, phình bóc tách động mạch chủ, tăng áp động mạch phổi.
Khi có bệnh nhân ngất do tim mạch, gia đình cần gọi 115 để được tư vấn trong khi chờ xe trở bệnh nhân đến viện.
Ngất do mạch máu não
Ngất do mạch máu não thường xảy ra khi bị đột quỵ, thiểu năng động mạch sống nền, migrain, bệnh takayasu, ngất do xoang cảnh.
Ngoài ra ngất còn do một số nguyên nhân khác như hạ huyết áp tư thế, tăng thông khí, tâm lý…
Phương pháp xử lý khi có người bị ngất
Khi có phát hiện có người bị ngất, việc đầu tiên là cần bình tĩnh xử lý, sau đó tìm cách sơ cứu phù hợp trước khi chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế. Các bước xử lý khi gặp người bị ngất như sau.
Cho bệnh nhân nằm ngửa, đầu thấp hơn chân
Khi có người bị ngất đột ngột, việc đầu tiên là đặt bệnh nhân nằm đầu thấp hơn chân (mục đích cho máu về não) rồi cho ngửi tinh dầu thơm. Sau đó nới rộng quần áo hoặc những chỗ thắt chặt khác như dây áo lót, dây lưng…
Lưu ý, cần để đầu bệnh nhân quay sang một bên đề phòng tụt lưỡi vào cổ họng hoặc hít chất nôn vào phổi. Đặc biệt, nhắc nhở mọi người không tụ tập, vây quanh người bệnh để họ có nhiều không gian trống để thở. Ngoài ra, nếu đo thân nhiệt thấy thấp hơn bình thường thì cho đắp chăn ấm để giữ nhiệt.
Phương pháp ấn Nhân trung
Trong y học, huyệt Nhân trung là một huyệt trên khuôn mặt có tác dụng khai khiếu, thanh nhiệt, định thần chí dùng trong điều trị méo miệng, tê môi trên, cấp cứu khi bị ngất. Vì vậy, khi có người bị ngất cần sử dụng phương pháp nàysẽ rất hiệu quả.
Phương pháp ấn nhân trung cần phải làm nhanh, mạnh, dứt khoát ở vị trí huyệt nằm giữa 1/3 trên và 2/3 dưới rãnh nhân trung.
Ấn nhân trung là thứ tự thứ 2 sau sơ cứu ban đầu để hỗ trợ người bệnh tỉnh lại.
Lời kết
Từ đời xưa các cụ đã có câu ví “cứu một người phúc đẳng hà sa”. Vì vậy, khi thấy có người bị ngất chúng ta cần áp dụng các phương pháp khẩn cấp ngay lúc đó là để bệnh nhân nằm đầu thấp hơn chân, nới rộng quần áo, ấn nhân trung… để sơ cứu cho người bệnhtrong khi chờ xe cấp cứu.
Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng khuyến cáo người nhà không nên sử dụng phương pháp châm 10 đầu ngón tay (còn gọi là châm huyệt Thập Tuyên) vì cách làm này cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh có hiệu quả mà ngược lại còn có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn, thậm chí dẫn tới nhiễm trùng huyết…