Bệnh viêm VA trẻ em đứng hàng đầu trong các bệnh tai mũi họng ở trẻ em, chiếm trên 30% tổng số trẻ dưới 10 tuổi và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe trẻ em.
Mục lục
VA là tổ chức lympho có từ lúc mới sinh của cơ thể, nó phát triển đến cao độ vào khoảng 2-6 tuổi (lứa tuổi nhà trẻ và mẫu giáo). VA sẽ bắt đầu co lại khi trẻ khoảng 7 tuổi và co lại đáng kể khi lớn. Đó là lý do tại sao, viêm VA thường chỉ gặp ở trẻ em trước 7 tuổi.
VA nằm trong đoạn nối giữa khoang mũi với thực quản. Nó là nơi sản sinh ra các bạch cầu đơn nhân tham gia vào quá trình miễn dịch tế bào, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Trong những năm đầu đời, VA giúp trẻ sơ sinh không bị nhiễm bệnh khi virus và vi khuẩn đi vào cơ thể qua đường mũi.
Vị trí Viêm VA trẻ em
Triệu chứng và chẩn đoán bệnh viêm VA
Bệnh viêm VA cấp
Bệnh hay gặp ở độ tuổi từ 6 tháng đến 3 – 4 tuổi. Trẻ biểu hiện sốt cao 39 – 40oC, quấy khóc, biếng ăn, đôi khi còn rối loạn tiêu hoá, hoặc nôn trớ, chảy nước mũi nhầy ra cửa mũi trước và xuống họng. Ngạt mũi làm trẻ bú khó, bú không được dài hơi, trẻ phải há mồm để thở nên rất dễ bị ho do không khí không được lọc và sưởi ấm qua mũi, đồng thời dịch chảy từ mũi xuống họng rơi vào thanh quản và phổi.
Khám mũi thấy hai hốc mũi đầy mủ trắng đục hoặc vàng xanh, không quan sát được khối VA. Quan sát họng thấy niêm mạc họng đỏ, thành sau họng có nhiều dịch chảy từ mũi uống. Khám tai thấy màng nhĩ đục hoặc hơi sưng huyết đỏ. Hạch dãy cảnh hoặc cơ ức đòn chũm ấn đau.
Trẻ quấy khóc, chảy nước mũi do viêm VA (ảnh minh họa)
Bệnh viêm VA mạn tính
Trẻ hay sốt vặt, toàn thân chậm phát triển so với trẻ cùng lứa tuổi, kém nhanh nhẹn, đêm ngủ không yên giấc, hay giật mình, ngáy to. Khi học kém tập trung tư tưởng do thiếu ôxy não kéo dài. Trẻ ngạt hai mũi hay phải há mồm để thở do mũi thường xuyên tăng xuất tiết, chảy dịch xanh kéo dài gây viêm loét cửa mũi.
Soi mũi thấy niêm mạc mũi phù nề đầy mủ nhầy. Nếu hút hết mủ có thể thấy tổ chức VA thấp thoáng ở cửa mũi sau. Khám họng thấy mủ nhầy trải đầy thành họng màu xanh hoặc vàng, nội song mũi xoang chỉ tiến hành được trẻ lớn sẽ thấy khối VA sùi như quả dâu, sờ vòm trong giai đoạn này thấy vòm bị hẹp. Khám tai thấy màng nhĩ lõm hoặc có nước.
Biến chứng bệnh viêm VA
Bệnh viêm VA có thể gây biến chứng nếu điều trị không đúng và kịp thời.
Xu hướng phát triển khuôn mặt khi thở bằng miệng lâu ngày do viêm VA (minh họa)
– Viêm thanh khí phế quản: trẻ ho dai dẳng, khàn tiếng, khó thở khi hoạt động mạnh.
– Viêm tai giữa cấp do viêm VA: biểu hiện bằng dấu hiệu đau tai xuất hiện sau chảy mũi mủ khoảng 5 – 7 ngày hoặc gây viêm tai thanh dịch, màng nhĩ đóng kín khó phát hiện.
– Viêm mũi xoang do mủ thường xuyên chảy vào hốc mũi: trẻ hay có rối loạn tiêu hoá, đau bụng đi ngoài phân sống.
– Viêm hạch Gillett ở thành sau họng ở trẻ dưới 2 tuổi: gây khó thở và tử vong vì mủ vỡ vào phổi, viêm kết mạc, viêm mi mắt…
– Trẻ em bị viêm VA lâu ngày ảnh hưởng tới sự phát triển của hệ thống xương sọ, mặt tạo nên bộ mặt VA: trán dô, mũi tẹt, răng vẩu, môi dầy, cằm lẹm, ngực lép, vẹo xương sống, chân tay khẳng khiu
Điều trị bệnh viêm VA
Điều trị trong đợt cấp với kháng sinh toàn thân khi cần thiết, hạ sốt, chống viêm, giảm xung huyết tại mũi bằng các thuốc nhỏ mũi có tính chất kháng sinh, co mạch.
Trong trường hợp khác, thuốc steroid dạng xịt có thể được chỉ định để làm co VA. Mặc dù vậy, thay vì dùng thuốc, thường thì bác sỹ sẽ chỉ định nạo VA khi viêm VA gây cản trở chức năng nói, thở hoặc viêm VA tái đi tái lại nhiều lần khiến trẻ thường xuyên phải sử dụng kháng sinh.
Đây là một tiểu phẫu đơn giản và không mấy nguy hiểm.
Nếu trẻ cũng thường xuyên bị viêm amidan, bác sỹ cũng có thể cắt amidan cùng với nạo VA. Ca phẫu thuật kéo dài không quá 2 giờ.
Sau khi phẫu thuật nạo VA, trẻ có thể thấy một hoặc vài triệu chứng như rát họng, chảy máu nhẹ, đau tai, tắc mũi.
Kháng sinh dự phòng chống nhiễm khuẩn sẽ được kê thêm cho trẻ. Trẻ cũng có thể được kê thuốc giảm đau trong vài ngày đầu sau phẫu thuật. Trẻ được khuyến khích uống nước lạnh, đồ uống lạnh như sữa lắc hoặc kem và tránh các thức ăn nóng trong 7 ngày đầu sau phẫu thuật.
Các triệu chứng sẽ hết trong vài tuần sau phẫu thuật.
Để phòng tránh bệnh viêm VA tái phát ở trẻ cũng như giảm nguy cơ biến chứng do viêm VA gây ra, các bậc phụ huynh cần chú ý nâng cao thể trạng, sức đề kháng của trẻ bằng cách rèn luyện thân thể, chế độ dinh dưỡng hợp lý cùng với việc vệ sinh mũi họng và cơ thể hàng ngày.
Benh.vn