Giai đoạn 3-4 tháng đầu đời là thời điểm thuận lợi để rèn cho bé hình thành nếp ngủ ngoan. Khi bé có thể tự ngủ mà không cần người lớn thì mẹ sẽ không gặp khó khăn trong việc dỗ con ngủ lại hoặc đánh thức bé dậy.
Mục lục
Bé được coi là có thể ngủ độc lập nếu:
- Có thể ngủ liền mạch 6-8 tiếng suốt cả đêm
- Có thể tự ngủ lại sau khi thức dậy lúc nửa đêm mà không cần sự trợ giúp của cha mẹ.
Khoảng 60% các bé có thể làm được điều này khi được 6 tháng tuổi.
Mặc dù chưa thể khẳng định chắc chắn song nghiên cứu cho thấy cha mẹ có thể thực hiện một số điều đơn giản để giúp bé có thói quen ngủ độc lập khi bé đã thực sự sẵn sàng.
Quyết định để bé ngủ độc lập
Bé sơ sinh luôn cần có mẹ suốt đêm. Nhưng mẹ có thể mong muốn ở độ tuổi lớn hơn (6-12 tháng), con sẽ nhanh chóng đi vào giấc ngủ và ngủ yên suốt đêm và chỉ làm phiền bố mẹ nếu cần thiết.
Nếu ban ngày trẻ nhận được đầy đủ sự quan tâm của cha mẹ thì giấc ngủ độc lập ban đêm sẽ không gây hại cho bé.
Mặt khác, nếu bạn thích ở bên con cả ngày lẫn đêm, những thông tin trong bài có thể không cần thiết, thay vào đó, bạn có thể tìm cách thích nghi với thói quen ngủ của con.
Những bí quyết nằm lòng
Nghiên cứu gần đây chỉ ra có 3 điều mẹ có thể làm đối với trẻ 3-4 tháng tuổi để tạo thói quen ngủ độc lập của bé:
- Làm rõ sự khác biệt giữa ngày và đêm
- Đặt bé xuống giường khi bé buồn ngủ nhưng bé vẫn còn thức
- Bắt đầu chu trình ăn, chơi, ngủ.
Nên bắt đầu khi nào?
Đồng hồ sinh học giấc ngủ của trẻ sơ sinh được lập trình để bé thức giấc ban đêm.
Điều này nhằm đảm bảo rằng bé nạp đầy đủ dinh dưỡng trong thời kỳ cần tăng trưởng. Vì thế trong 3-4 tháng đầu đời, bé yêu sẽ cần được mẹ cho ăn và ru ngủ vào ban đêm.
Tuy nhiên, trong thời kỳ này, thói quen ngủ và nhịp điệu của bé trưởng thành rất nhanh. Bạn có thể tranh thủ khoảng thời gian thay đổi rất nhanh này bằng những cách tiếp cận vấn đề như ở trên. Chú ý rằng để thành công, mẹ cần linh hoạt chứ không cứng nhắc. Chậm và từ từ là tốt nhất.
Làm rõ ràng giữa nhịp ngày và đêm
Bé của bạn chưa thể phân định được sự khác nhau giữa ngày và đêm. Đó là lý do vì sao bé hay thức giấc ban đêm và sau đó bé có thể ngủ suốt vào ban ngày.
Bình thường, một em bé sơ sinh sẽ ngủ và thức liên tục. Nhưng mẹ vẫn có thể giúp bé tự điều chỉnh để ngủ nhiều hơn vào ban đêm với một số mẹo sau:
- Vào ban đêm, hãy giữ cho căn phòng càng ít ánh sáng càng tốt (nhưng cũng không cần ngủ trong một căn phòng toàn bóng tối) .
- Nếu cần chăm sóc trẻ vào ban đêm, chỉ nên bật một chiếc đèn sáng dịu, tránh bật đèn sáng chói.
- Sử dụng ánh sáng dịu nhẹ, không nên để ánh sáng quá chói ngay trên đầu trẻ
- Buổi đêm, hãy đáp ứng yêu cầu của bé nhanh chóng mỗi khi bé khóc. Ví dụ vỗ về và cho bé ăn ngay khi có thể.
- Có thể cho con ăn đêm ngay tại phòng của bé, giúp rút ngắn thời gian bữa ăn và khiến chúng khác với bữa ăn ban ngày.
- Ban ngày, chơi đùa và trò chuyện với bé sau khi ăn có thể rất tốt song buổi đêm thì cần áp dụng cách vỗ về nhẹ nhàng. Cố gắng để việc chơi đùa diễn ra vào ban ngày.
Đặt bé xuống giường khi buồn ngủ nhưng bé vẫn thức
Áp dụng thói quen đặt bé xuống giường khi buồn ngủ nhưng bé vẫn thức trong 3-4 tháng đầu đời. Việc này giúp bé hình thành thói quen không chờ mẹ vỗ về vào buổi tối.
Các thói quen khi ngủ là nếp sinh hoạt liên quan đến cơn buồn ngủ. Các thói quen khi ngủ làm tăng cảm giác buồn ngủ, giúp chúng ta ngủ lại dễ dàng khi bất chợt tỉnh giấc.
Ru bé ngủ bằng cách đung đưa hoặc cho bé bú là không đúng
Nhiều bố mẹ cảm thấy rất thoải mái trong khi bé ngủ gật trên ngực mẹ hoặc trong vòng tay của bố. Đây là vấn đề của những ông bố, bà mẹ không muốn thức dậy nửa đêm để dỗ con ngủ trở lại.
Nếu bạn thường ru bé ngủ bằng cách đung đưa cánh tay hay cho bé vừa bú vừa ngủ, khi đó bé sẽ hình thành thói quen chỉ chịu ngủ khi được bố mẹ đung đưa hoặc được cho bú. Hoặc nếu bé ngủ gật trong phòng sau đó bất chợt tỉnh dậy trong cũi lúc nửa đêm, bé sẽ khóc vì không hiểu chuyện gì xảy ra.
Dạy bé yêu cách tự thư giãn
Tự thư giãn là bé có thể bình tĩnh, thoải mái và tự ngủ trở lại. Các bé có thể tự trấn tĩnh thường có giấc ngủ dài không ngắt quãng
Nếu mẹ luôn có một kế hoạch cho bé ăn, vỗ về bé, đung đưa bé để ru ngủ tức là chính mẹ đang tích cực xoa dịu bé. Việc mẹ duy trì những thói quen này vô tình lấy đi cơ hội phát triển khả năng tự lập của con. Tuy nhiên, điều này chỉ phiền phức nếu mẹ không cảm thấy thoải mái hoặc đủ sức khỏe để thức dậy và vỗ về bé về đêm.
Một số khía cạnh ảnh hưởng đến khả năng tự lập của bé:
- Sự tăng trưởng và trưởng thành của con
- Tính cách của bé: một số bé cần nhiều thời gian để tạo lập các thói quen, một số bé thì lại khá nhạy cảm và dễ xúc động.
- Các khía cạnh của đời sống: Mối quan hệ không tốt giữa cha mẹ và bé, chứng trầm cảm hay các bệnh lý tâm thần khác của mẹ.
Dù đã là cha mẹ, bạn vẫn cần quan tâm đến sức khỏe bản thân và đảm bảo là bạn vẫn nhận được sự giúp đỡ đầy đủ. Bởi vì điều này còn ảnh hưởng đến sức khỏe của chính con bạn.
Ru bé ngủ bé khi nằm trong cũi
Một số ý tưởng có thể giúp mẹ trấn tĩnh bé khi nằm trong cũi. Bé có thể khóc khi bị đặt nằm xuống. Tiếng khóc i ỉ có thể là dấu hiệu của việc bé mệt mỏi và cần nghỉ ngơi. Nếu bạn phản ứng ngay với tiếng khóc của con bằng việc bế bé dậy, rất có thể bạn đang làm gián đoạn giai đoạn bé tự ngủ và học cách tự trấn tĩnh bản thân. Nếu bé khóc to hơn, thì bé có thể cần được giúp đỡ từ cha mẹ.
Khi bé lớn hơn, mẹ có thể chờ một chút và tìm cách xử lý những tiếng khóc i ỉ khi bé thức dậy vào ban đêm. Tuy nhiên, nếu con khóc to, thì hãy đến và vỗ về.
Thử vỗ nhẹ nhàng để giúp bé ngủ yên và ngừng vỗ về ngay khi bé đã có thể trấn tĩnh trước khi cơn buồn ngủ kéo đến. Nếu biện pháp này không hiệu quả, hãy bế bé lên và xoa dịu bằng cách cho bú. Bạn còn có cơ hội để thử phương pháp vỗ ru trong những lần sau
Tất nhiên, 3 tháng đầu đời không phải là giai đoạn cần nghiêm khắc hay tạo kỷ luật với bé. Nếu bé ngủ gục khi đang bú hoặc trước giờ ngủ thì cũng không cần phải đánh thức con dậy để bế về giường. Nói cách khác, mẹ không cần thiết phải giữ vững nguyên tắc này nếu không hiệu quả .
Bắt đầu chu trình ăn, chơi và ngủ
Khi bạn cảm thấy mọi chuyện đều ổn, hãy thực hiện mọi việc theo trình tự lặp lại mỗi ngày: ăn-chơi-cho ngủ. Một chu trình nhất quán sẽ giúp bé lập trình được giấc ngủ
Khi bé tỉnh dậy, chu trình này có thể diễn ra như sau:
- Cho ăn
- Thay tã
- Dành thời gian trò chuyện và chơi với bé
- Cho bé ngủ
Với một bé sơ sinh, cha mẹ nên linh hoạt về thời gian ăn ngủ, nhưng vẫn nên bắt đầu thực hiện các công việc theo trình tự
Tầm quan trọng của giấc ngủ ngày
Nhiều cha mẹ thường ngăn con ngủ ngày với mong muốn bé sẽ ngủ đêm nhiều hơn. Tuy nhiên, điều này sẽ không hiệu quả nếu bé khó ngủ vì mệt. Trên thực tế, khi mệt trẻ thường khó đi vào giấc ngủ hơn.
Trẻ nhỏ thường bị mệt sau 10-20 phút sau khi chơi đùa. Nếu bé buồn ngủ, hãy cho bé nghỉ ngơi.
Việc ăn và ngủ
Thông thường, cứ cách 2-4 tiếng các em bé sơ sinh lại cần bú. Bé yêu sẽ ngủ sâu giấc hơn sau mỗi cữ bú no bởi tác dụng an thần của sữa mẹ.
Nếu 2 giờ sau khi bú. bé vẫn không buồn ngủ thì hãy dành cho con ít thời gian để tự dỗ mình đi vào giấc ngủ. Nếu bé vẫn không ngủ, mẹ có thể bế bé lên để vỗ về rồi mới đặt bé vào cũi hoặc cho bé bú cữ mới.
Ăn đêm
Từ 6 tháng trở đi, hầu hết các em bé đều không cần bữa ăn đêm. Tuy nhiên, vẫn có một số bé cần bữa ăn này.
Nhiều cha mẹ vẫn cảm thấy ổn với việc cho con ăn đêm khi bé ngoài 6 tháng. Ngoài ra, vẫn có thể cho bé bú đêm để duy trì nguồn sữa.
Thậm chí nếu quyết định tiếp tục cho bé ăn đêm, thì bạn phải luyện cách đặt bé xuống giường lúc bé đã ngà ngà ngủ nhưng vẫn còn tỉnh và duy trì việc tương tác với con trong lúc ăn. Điều này giúp bạn dễ dàng cai bú đêm khi đến thời điểm thuận lợi.
Benh.vn (Theo BV Nhi TW)