Đại cương
Hôn mê là một tình trạng mất khả năng nhận thức bản thân, hoàn cảnh xung quanh người bệnh, gây ra bởi nhiều nguyên nhân như chấn thương sọ não, đột quỵ não, u não, ngộ độc thuốc, rượu…
Mục lục
Hôn mê là một cấp cứu y khoa cần được xử trí và điều trị nhanh chóng, kịp thời để bảo vệ chức năng của não cũng như để cứu sống người bệnh.
Nhận biết các dấu hiệu bệnh
Người bệnh thường có các dấu hiệu sau:
– Hoàn toàn không có giao tiếp chính xác với mọi người xung quanh.
– Nhắm mắt
– Các chi thường không có cử động.
– Thở không đều.
Nguyên nhân của bệnh
Bao gồm rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến hôn mê như:
– Chấn thương sọ não: thường do tai nạn giao thông, bạo lực…
– Đột quỵ não: do vỡ mạch máu hoặc tắc nghẽn mạch máu não.
– Các khối u trong não
– Bệnh đái tháo đường: tăng đường máu quá cao do không được điều trị hoặc đường máu giảm quá thấp do dùng quá liều thuốc hạ đường huyết.
– Thiếu oxy: xảy ra sau khi bị chết đuối, thắt cổ tự tử hoặc sau khi cắp cứu người bệnh bị ngừng tim.
– Các bệnh nhiễm trùng: gây viêm não hoặc viêm màng não
– Các cơn co giật: các cơn co giật kéo dài có thể dẫn đến hôn mê.
– Do nguyên nhân ngộ độc: ví dụ như ngộ độc khí CO.
– Do các thuốc hoặc rượu: do dùng quá liều các thuốc hoặc rượu.
Chẩn đoán bệnh
Bởi vì người bệnh hôn mê không thể tiếp xúc, giao tiếp. Các bác sĩ cần phải khám các dáu hiệu lâm sàng và ghi nhận các thông tin mà do người đi cùng người bệnh cung cấp.
Do đó chúng ta cần cung cấp tỉ mỉ các thông tin về người bệnh cho bác sĩ:
– Các sự việc xảy ra trước khi người bệnh bị hôn mê: ví dụ nôn mửa, đau đầu…
– Mô tả chi tiết người bệnh bị hôn mê như thế nào, xảy ra từ từ hay đột ngột.
– Có bất kỳ các dấu hiệu gì xảy ra trước khi người bệnh hôn mê.
– Tiền sử bệnh tật hiện tại, các thuốc hiện tại người bệnh đang sử dụng, đặc biệt tiền sử phụ thuộc các chất gây nghiện như ma túy…
– Có những thay đổi gì về hành vi, tính các trong thời gian gần đây.
Để chẩn đoán nguyên nhân hôn mê, các bác sĩ cần khám các dấu hiệu lâm sàng và làm các xét nghiệm để chẩn đoán như sau:
Khám lâm sàng
– Bác sĩ kiểm tra các vận động của tay, chân, các phản xạ của người bệnh, đáp ứng của người bệnh với các kích thích đau và kích thước của đồng tử.
– Bác sĩ quan sát các kiểu thở của người bệnh.
– Kiểm tra tìm kiếm các vết bầm dập trên da do người bệnh bị chấn thương.
– Để xác định mức độ tỉnh táo của người bệnh, bác sĩ sẽ nói to hoặc ấn vào góc cằm, móng tay của người bệnh và sau đó quan sát đáp ứng mở mắt, cử động tay, chân và đáp ứng lời nói của người bệnh.
– Bác sĩ có thể dụng nước ấm hoặc lạnh bơm vào một bên tai để đánh giá đáp ứng về mắt của người bệnh.
Các xét nghiệm về máu
– Xét nghiệm công thức máu toàn bộ
– Các chất điện giải, đường máu, chức năng gan, tuyến giáp.
– Xác định chất độc CO, quá liều các thuốc, rượu trong máu
– Chọc dịch tủy sống để tìm kiếm các nguyên nhân nhiễm trùng của hệ thần kinh trung ương.
Các hình ảnh sọ não
Các kết quả này giúp bác sĩ xác định được khu vực não bị tổn thương:
– Chụp cắt lớp vi tính sọ não: tìm kiếm chảy máu não, tắc mạch não, các khối u não…
– Chụp cộng hưởng từ sọ não: xác định chảy máu não, tắc mạch não…
– Ghi điện não đồ của não: xác định các cơn co giật.
Điều trị
Hôn mê là một cấp cứu y khoa
– Các bác sĩ sẽ kiểm tra và nhanh chóng bảo đảm về hô hấp và tuần hoàn cho người bệnh.
– Hỗ trợ thở cho người bệnh, truyền máu, truyền dịch.
– Truyền dung dịch đường nếu người bệnh có hạ đường máu hoặc dùng kháng sinh tiêm tĩnh mạch nếu có nhiễm trùng của hệ thần kinh trung ương.
– Điều trị các nguyên nhân gây hôn mê như phẫu thuật sọ não, loại trừ các chất độc, kiểm soát các cơn co giật của người bệnh…
Cách phòng chống
– Phòng tránh chấn thương, nhất là chấn thương đầu khi tham gia giao thông.
– Người bệnh có các bệnh lý mạn tính cần khám sức khỏe định kỳ để theo dõi và sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Benh.vn (theo cẩm nang truyền thông BV Bạch Mai)