Một vài lần, sau khi ngủ dậy chúng ta thấy cổ đau và hơi nghiêng về một bên. Vẹo cổ khiến cử động khó khăn, kèm theo cảm giác đau nhức, khi có người gọi hoặc cần quay về phía bị đau chúng ta thường quay cả người chứ không quay cổ được… Vẹo cổ xuất hiện nhiều hơn khi mùa đông về.
Mục lục
Theo y học cổ truyền, vẹo cổ còn gọi là lạc chẩm hay thất chẩm. Vậy, nguyên nhân gây vẹo cổ là gì? cách khắc phục vẹo cổ như thế nào?
Triệu chứng khi bị vẹo cổ
- Cổ bị căng cứng, nghiêng về một bên trong tư thế gò bó để chống đau.
- Cử động cổ khó khăn, khó quay cổ hoặc cúi.
- Cảm giác đau nhức khó chịu.
- Sự đau nhức tăng lên khi cố làm động tác quay cổ.
- Cơn đau lan xuống bả vai, chi trên hoặc vùng liên sống bả vai…
Vẹo cổ (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân bị vẹo cổ
- Do tư thế lúc ngủ không hợp lý (đầu gối quá cao hoặc quá cứng) khiến cho đầu cổ lệch về một bên.
- Do các cơ vùng cổ: cơ thang, cơ ức đòn chũm bị căng giãn kéo dài mà sinh đau.
- Do lao động quá sức kéo dài, người yếu.
- Do phong hàn xâm nhập vào kinh lạc làm cho kinh khí bị ngăn trở.
- Do thoái hóa cột sống cổ.
- Do cổ bị lạnh…
Vẹo cổ do nằm ngủ không đúng tư thế, thoái hóa cột sống cổ… (Ảnh minh họa)
Các phương pháp khắc phục chứng vẹo cổ
1. Xoa, day cổ, xương bả vai
Phương pháp:
- Dùng mô của bàn tay hoặc gốc bàn tay day hai bên vai.
- Day phần lưng phía dưới cổ, giữa hai xương bả vai.
- Khi day, xoa từ nhẹ đến nặng, sao cho những cơ co cứng mềm dần ra.
Lưu ý: Xoa, day mạnh ngay từ đầu sẽ khiến các cơ của bệnh nhân theo phản xạ co cứng lại sẽ càng đau hơn.
2. Xoa bóp khối cơ ở vùng cổ từ trên xuống dưới
Phương pháp:
- Dùng các ngón tay xoa bóp khối cơ ở vùng cổ từ trên xuống dưới, từ cổ ra tới mỏm vai (5-10 lần).
- Đầu ngón tay trỏ lướt tìm khối cơ trong vùng giữa hai xương bả vai để tìm thớ cơ căng cứng như một dây nhỏ nằm chéo từ trên xuống dưới và từ cột sống ra bên cạnh (tương ứng với đốt sống lưng thứ 6, dưới đốt sống cổ 7 là đốt sống lưng thứ 1).
- Dùng ngón cái bấm mạnh vào thớ cơ căng cứng giữa hai xương bả vai sao cho cảm thấy đau nhức xuyên lên vai (day bấm khoảng 1 phút).
- Dùng ngón tay cái day ấn từ nhẹ đến mạnh (khoảng 2 phút) điểm đau nhất vùng cổ.
- Sau khi thực hiện các động tác trên để người bệnh tự quay cổ nhiều lần đến khi có cảm giác mỏi, tê, tức là được.
Lưu ý: khi thực hiện phương pháp xoa bóp có thể dùng dầu, rượu xoa bóp để tăng thêm tác dụng khi trị liệu.
3. Day bóp huyệt lạc chẩm
Day bóp huyệt lạc chẩm điều trị chứng vẹo cổ (Ảnh minh họa)
Phương pháp:
- Vị trí huyệt lạc chẩm nằm ở mu bàn tay, giữa 2 ngón tay trỏ và ngón tay giữa cách khớp xương bàn tay – ngón tay 0,5 tấc.
- Dùng ngón tay cái bấm dần từ mép da lên ngón trên cổ tay, vị trí nào đau tức nhất đó là huyệt lạc chẩm.
- Day, ấn huyệt lạc chẩm trong vòng 2 phút.
- Tiếp tục day đến khi nào thấy cơ cổ mềm hơn và không còn đau nữa.
4. Day bóp huyệt phong trì, phong phủ, đại chùy, kiên tỉnh, thiên tông, hậu khê
Phương pháp:
- Lần lượt day bấm các huyệt: phong trì, phong phủ, đại chuỳ, kiên tỉnh, thiên tông, lạc chẩm, hậu khê của bệnh nhân, mỗi huyệt day ấn từ 1 – 2 phút.
- Vận động cổ của bệnh nhân bằng cách một tay đỡ cằm, tay kia để ở xương chẩm, nhẹ nhàng vận động đầu bệnh nhân qua phải, qua trái với góc độ tăng dần.
- Khi cảm thấy cơ mềm không có trở lực thì dùng sức (hơi mạnh) lắc đầu bệnh nhân sang phải và về phía sau, tiếp tục làm tương tự phía bên trái (khi vận động lắc có thể nghe thấy tiếng kêu). Lưu ý phương pháp lắc cổ chỉ thực hiện khi người thực hiện biết thao tác chuẩn động tác này.
Day bóp huyệt phong trì, đại chùy, thiên tông… (Ảnh minh họa)
5. Chườm bằng muối sao nóng hoặc muối sao với lá ngải cứu
Chuẩn bị:
- Lấy một ít muối ăn cho vào chảo sao nóng (sao cho đến khi hết tiếng nổ của muối).
- Cho ngải cứu (đã rửa sạch và cắt thành 3 hoặc 4 đoạn) vào chảo đảo nhanh sau đó trút ra và gói vào khăn tạo thành nhiều lớp.
Phương pháp thực hiện:
- Dùng muối sao với ngải cứu (hoặc muối sao nóng) chườm nóng vùng bị đau cho đến khi nguội.
- Tiếp tục sao nóng, chườm nhiều lần cho đến khi giảm đau.
Lưu ý: thực hiện trong một vài ngày cho đến khi khỏi hẳn.
6. Châm cứu
- Dùng kim châm cứu châm thẳng hoặc xiên, sâu từ 0,5-1 thốn tại chỗ có cảm giác căng tức.
- Khi châm có cảm giác như điện giật lan tới mút ngón tay.
Lưu ý: bệnh nhân đến bệnh viện, các cơ sở châm cứu có uy tín để châm cứu (không tự ý châm cứu tại nhà)
Châm cứu để điều trị vẹo cổ (Ảnh minh họa)
7. Dùng thuốc giảm đau
Nếu thực hiện các phương pháp trên mà bệnh không thuyên giảm, bệnh nhân nên kết hợp dùng thuốc giảm đau (lưu ý sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sỹ).
Lời kết
Vẹo cổ, đông y còn gọi là thất chẩm hay lạc chẩm là một triệu chứng thường gặp. Nguyên nhân gây vẹo cổ do tư thế gối đầu khi ngủ hoặc cao quá hoặc thấp quá…khiến cho khí huyết không điều hoà, cơ cổ bị kéo giãn quá lâu, đầu bị vẹo về một bên.
Vì vậy, để đề phòng vẹo cổ khi đi ngủ không nên gối đầu quá cao, giữ đúng tư thế khi làm việc hoặc học tập, tránh nằm ngủ nơi ẩm thấp, gió lạnh khi mùa đông về…