Các điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề y dược tư nhân được quy định chi tiết như sau:
1. Người được cấp chứng chỉ hành nghề y tư nhân phải có đủ các điều kiện chung theo quy định tại Điều 17 của Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân và Điều 5 của Nghị định số 103/2003/NĐ-CP.
2. Bằng cấp và thời gian thực hành tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hợp pháp (sau đây gọi chung là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh) của người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh để mở các phòng khám chuyên khoa phải có đủ các điều kiện cụ thể sau:
a) Phòng khám gia đình: Bác sỹ hoặc bác sỹ chuyên khoa y học gia đình đã thực hành 5 năm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong đó 3 năm thực hành chuyên khoa y học gia đình;
b) Các phòng khám nội tổng hợp, chuyên khoa thuộc hệ nội, chuyên khoa ngoại, phụ sản, phòng kế hoạch hóa gia đình, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, ung bướu, điều dưỡng – phục hồi chức năng và vật lý trị liệu, tâm thần, da liễu, nhi, tư vấn khám, chữa bệnh qua điện thoại, tư vấn chăm sóc sức khỏe qua các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông và thiết bị y tế, phẫu thuật thẩm mỹ:
Bác sỹ đã thực hành ít nhất 5 năm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có 3 năm thực hành chuyên khoa. Riêng phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, bác sỹ phải có thêm chứng chỉ chuyên môn về phẫu thuật thẩm mỹ hoặc giấy chứng nhận chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ do trường đại học y đào tạo và cấp;
c) Phòng chẩn đoán hình ảnh:
– Phòng X-Quang: Bác sỹ, cử nhân X.Quang (tốt nghiệp đại học) đã thực hành 5 năm chuyên khoa X.Quang tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
– Phòng CT scanner: Bác sỹ đã thực hành 5 năm chuyên khoa CT scanner tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
– Phòng MRI: Bác sỹ đã thực hành 5 năm chuyên khoa MRI tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
– Phòng Siêu âm: Bác sỹ đã thực hành 5 năm chuyên khoa siêu âm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
– Phòng Nội soi: Bác sỹ đã thực hành 5 năm chuyên khoa nội soi tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
d) Phòng xét nghiệm: Bác sỹ, cử nhân sinh học, hóa học, dược sỹ, kỹ thuật viên xét nghiệm (tốt nghiệp đại học) đã thực hành 5 năm chuyên khoa xét nghiệm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
đ) Nhà hộ sinh: Bác sỹ, hộ sinh từ trung cấp trở lên đã thực hành 5 năm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có ít nhất 3 năm thực hành chuyên khoa phụ sản;
Người đứng đầu nhà hộ sinh phải là người hành nghề 100% thời gian (không phải là người hành nghề ngoài giờ hành chính);
3. Bằng cấp và thời gian thực hành của người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ y tế theo các hình thức tổ chức hành nghề quy định tại khoản 3, mục II của Thông tư này phải có thời gian thực hành từ 2 năm trở lên tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và bảo đảm các điều kiện cụ thể sau:
a) Người đứng đầu cơ sở dịch vụ tiêm (chích), thay băng, đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp phải tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp y trở lên;
b) Người đứng đầu cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà phải tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp y trở lên;
c) Riêng đối với nha công đã hành nghề từ năm 1980 trở về trước được đứng đầu cơ sở dịch vụ làm răng giả phải và tại thời điểm đó đã đủ 18 tuổi trở lên, đồng thời phải có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã;
d) Người đưng đầu cơ sở dịch vụ kính thuốc phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:
– Có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp y trở lên và đã có thời gian làm công việc chuyên môn tại cơ sở chuyên khoa mắt từ 2 năm trở lên;
– Có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp y trở lên và có chứng chỉ về trang thiết bị y tế (thiết bị đo kiểm, chẩn đoán tật khúc xạ mắt) do cơ sở được Bộ Y tế chỉ định đào tạo và cấp;
– Người đứng đầu cơ sở dịch vụ kính thuốc trước khi Thông tư số 01/2004/TT-BYT ngày 06/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế về hành nghề y, dược tư nhân (sau đây gọi chung là Thông tư số 01/2004/TT-BYT) có hiệu lực phải có chứng chỉ về trang thiết bị y tế (thiết bị đo kiểm, chẩn đoán tật khúc xạ mắt) do cơ sở được Bộ Y tế chỉ định đào tạo và cấp và có hợp đồng lao động làm việc 100% thời gian với người đã tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp y trở lên và đã có thời gian làm công việc chuyên môn tại cơ sở chuyên khoa mắt từ 2 năm trở lên.
đ) Người đứng đầu cơ sở dịch vụ vận chuyển người bệnh trong nước và ra nước ngoài phải tốt nghiệp đại học y đã thực hành 5 năm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, có giấy chứng nhận đã được học về chuyên ngành hồi sức cấp cứu.
4. Căn cứ để xác định thời gian thực hành được quy định như sau:
a) Đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu hoặc thôi việc hoặc đã chuyển công việc khác mà không làm chuyên môn thì căn cứ thời gian thực hành trong bản sao hợp pháp quyết định nghỉ hưu hoặc quyết định cho thôi việc;
b) Đối với người làm việc tại các cơ sở y tư nhân thì căn cứ thời gian làm việc trong giấy xác nhận thời gian thực hành của người đứng đầu cơ sở đó, kèm theo bản sao hợp pháp hợp đồng lao động hoặc bản sao hợp pháp sổ bảo hiểm xã hội;
c) Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người đang làm việc trong các cơ sở y của Nhà nước thì căn cứ thời gian làm việc trong giấy xác nhận của thủ trưởng cơ quan đồng ý cho phép hành nghề y tư nhân ngoài giờ làm việc của Nhà nước. Giấy xác nhận phải ghi rõ thời gian thực hành tại cơ sở y của Nhà nước.
5. Cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các cơ sở y của Nhà nước chỉ được cấp chứng chỉ hành nghề y tư nhân ngoài giờ hành chính để làm người đứng đầu của một trong các hình thức tổ chức hành nghề đăng ký hộ kinh doanh cá thể sau: Phòng khám chuyên khoa (trừ nhà hộ sinh); các cơ sở dịch vụ y tế (trừ cơ sở dịch vụ vận chuyển người bệnh trong nước và ra nước ngoài quy định tại khoản 5 Điều 16 của Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân).
6. Đối với các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định tại Điều 12 của Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân, Sở Y tế các tỉnh trên đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quy định cụ thể điều kiện về bằng cấp, thời gian thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh, chứng chỉ hành nghề dịch vụ y tế cho phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương tùy theo yêu cầu của từng hình thức tổ chức hành nghề. Người được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh chỉ được phép hành nghề trong phạm vi của địa phương đó.
7. Tùy theo nhu cầu, khả năng quản lý, căn cứ theo khoản 2 Điều 2 của Nghị định số 103/2003/NĐ-CP, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và Hồ Chí Minh có thể cho phép Sở Y tế quy định việc mở rộng việc cấp chứng chỉ hành nghề y tư nhân cho người không có hộ khẩu thường trú tại địa phương đó đối với một số hình thức tổ chức hành nghề y tư nhân.
Benh.vn (Theo thông tư số 07/2007/TT-BYT ngày 25/05/2007)