Hẹp hậu môn trực tràng (Anorectal stricture, Anorectalal stenosis, Stensose anorectale) là tình trạng hậu môn không mở hết để tống phân ra ngoài một cách dễ dàng. Hẹp hậu môn do nhiều nguyên nhân bệnh gây nên. Và có nhiều biện pháp điều trị khác nhau, tuy nhiên, phổ biến nhất là điều trị ngoại khoa với các biện pháp sau đây.
Mục lục
Cấu trúc các cơ phía trực tràng, hậu môn
Cắt cơ thắt trong
Cắt cơ thắt trong (internal sphincterotomy) lúc đầu được dùng để điều trị chứng nứt hậu môn. Phẫu thuật này còn được dùng phối hợp với thủ thuật cắt trĩ khi trĩ có hẹp, hậu môn hay dự đoán sau mổ sẽ có hẹp hậu môn. Cắt mở cơ thắt trong để tạo hình lại hậu môn là một phẫu thuật tuy đơn giản nhưng có hiệu quả cao.
Cơ thắt được cắt ở sau hay ở bên. Ở sau, vị trí 6h, ở vị trí này cơ thắt bám vào dải hậu môn-cụt. Sau khi cắt, hai đầu cơ được dải này giữ lại, không cách xa nhau nhiều. Một số tác giả nhận thấy sau mổ vết cắt lâu lành và có một số bị són phân. Vì những nhược điểm đó, cắt ở trên được nhiều tác giả ủng hộ.
Cắt cơ thắt trong và tạo hình da
Cắt cơ thắt trong thường kết hợp với tạo hình da. Tạo hình với vạt da trượt hay vạt da xoay. Tác dụng của tạo hình da là làm cho vết mổ chóng lành hơn và bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn vì vết mổ được da che phủ. Tạo hình vạt da rất cần thiết trong những trường họp niêm mạc có một đoạn lộ ra ngoài (ectropion), mất nhiều da như trong trường hợp chiếu xạ hay sau khi cắt bỏ rộng các u ác tính.
Có kiểu tạo hình da:
Tạo hình da với vạt kiểu chữ Y-V
Phẫu thuật tạo hình vạt da trượt kiểu Y-V được thực hiện đầu tiên bởi Peen năm 1948, sau đó được nhiều phẫu thuật viên cải tiến.
Đường rạch bắt đầu từ phía trong, ở chỗ nối niêm mạc-da, khi đi ra ngoài thì tách đôi dần. Đường rạch có hình chữ Y, đàu ở phía trong và đáy ở phía ngoài. Đáy vạt da rộng, đường rạch không sâu. Cắt cơ thắt trong ở vị trí bên. Sau khi cầm máu tỉ mỉ, hai mép đường rạch khâu lại với nhau. Đường rạch hình chữ Y biến thành đường khâu hình chữ V, làm cho hậu môn được mở rộng.
Tạo hình vòng xoay kiểu chữ S
Phẫu thuật tạo hình vạt da xoay kiểu chữ S được Ferguson mô tả năm 1959 trong điều trị bệnh sa niêm mạc trực tràng.
Sử dụng 2 vạt da xoay theo hình chữ S để mở rộng lỗ hậu môn bị hẹp. Vòng sẹo hẹp ở hậu môn được cắt bỏ đến niêm mạc lành. Từ điểm giữa của ống hậu môn, rạch một đường hình chữ S. Sau đó xoay vạt da và khâu lại.
Tạo hình với một hay nhiều vạt da trượt
Phẫu thuật tạo kiểu này được Sarner chủ trương, năm 1969.
Dùng vạt da trượt che phủ vùng thiếu da giống như phương pháp trượt da đã mô tả ở trên. Khác ở chỗ nếu hậu môn bị hẹp khít thì dùng 2 hay 4 vạt da để mở rộng nhiều nơi trên chu vi ống hậu môn.
Để phẫu thuật tạo hình da có kết quả, đòi hỏi chặt chẽ các điều kiện sau:
– Dùng kháng sinh dự phòng trước, trong và sau mổ
– Không sử dụng phương pháp khi da quanh hậu môn mỏng
– Vạt da ghép đủ dầy và được nuôi dưỡng tốt
– Vạt da đủ rộng để khi khâu không bị căng
– Động tác phải nhẹ nhàng, nhất là khi cầm nắm mép vạt da ghép
– Cầm máu tỉ mỉ
– Dùng chỉ tiêu
– Khi có nhiễm trùng và thải trừ da ghép phải điều trị ngay và điều trị có hiệu quả.
Tạo hình trực tràng bằng đường sau
Phẫu thuật tạo hình trực tràng bằng đường sau được Lockhart Mummery và Lloyd-Davies mô tả năm 1935.
Rạch đường giữa phía sau hậu môn. Cắt bỏ xương cụt, bộc lộ chỗ trực tràng hẹp. Rạch một đường dọc ở trực tràng qua lỗ hẹp và khâu ngang lại, biến đường dọc thành đường ngang. Với đường khâu này, lòng trực tràng được mở rộng. Phẫu thuật này ít khi thành công do trực tràng chỗ hẹp rất đầy và xơ hóa nên đường khâu khó lành. Khi đường khâu này bị xì sẽ gây rò phân, rất khó sửa chữa.
Cắt đoạn đại trực tràng
Hẹp ở trực tràng và ở chỗ nối trực tràng-đại trực tràng chậu hông, phẫu thuật điều trị là cắt đoạn đại trực tràng. Ngày nay, các máy nối như EEA không những giúp thực hiện phẫu thuật dễ dàng hơn mà còn giúp mở rộng chỉ định phẫu thuật. Có thể nối đại tràng với hậu môn, sau khi luồn đại tràng qua ống hậu môn (pull through), miệng nối được ở ngoài ổ bụng.
Hậu môn nhân tạo
Với những trường họp hậu môn bị khép kín, các cơ thắt và vùng chung quanh lỗ hậu môn bị tổn thương nặng không thể sửa chữa được thì phải làm hậu môn nhân tạo vĩnh viễn ở đại tràng chậu hông để đại tiện, nếu cần và có thể được thì khoét bỏ hậu môn.
Hậu môn nhân tạo tạm thời được thực hiện khi muốn che chở cho vùng thương tổn ở hậu môn khỏi bị phân làm vấy bẩn. Sau khi sửa chữa, vùng hậu môn ở dưới đã lành, hậu môn nhân tạo được đóng lại.
Benh.vn