Đối với chị em, “phụ khoa” còn quan trọng hơn “chính khoa” bởi bộ phận này rất “nhạy cảm” dễ bị viêm nhiễm bởi thời tiết, khí hậu, môi trường sống…
Mục lục
Tìm hiểu về phụ khoa
Phần phụ của bộ phận sinh dục nữ là danh từ chỉ các bộ phận phụ thuộc nằm quanh tử cung bao gồm hai ống dẫn trứng, hai buồng trứng và các dây chằng quanh đó. Vì các bộ phận này rất gần gũi nhau nên khi một bộ phận bị viêm nhiễm thì cũng dễ làn ngay sang các bộ phận nằm ngay cạnh nó gây nên viêm phần phụ.
Nguyên nhân gây viêm phần phụ
Nguyên nhân gây viêm phần phụ chủ yếu là do nhiễm khuẩn và điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập như: sau sẩy thai, sau đẻ, sau đặt vòng không giữ được vệ sinh đầy đủ và cả những người không giữ được vệ sinh kinh nguyệt.
Vi khuẩn ban đầu xâm nhập buồng tử cung rồi lan lên ống dẫn trứng và các bộ phận khác. Viêm phần phụ mắc lần đầu như vậy gọi làm viêm cấp tính.
Người bị viêm phần phụ cấp, ban đầu có triệu chứng của viêm niêm mạc tử cung (sốt, đau ở vùng tử cung, ra khí hư hôi, có mủ)
Triệu chứng
Người bị viêm phần phụ cấp, ban đầu có triệu chứng của viêm niêm mạc tử cung (sốt, đau ở vùng tử cung, ra khí hư hôi, có mủ) sau những hoàn cảnh thuận lợi nêu trên. Các triệu chứng này không thuyên giảm lại kèm theo đau hai bên bụng dưới (vị trí của hai phần phụ của tử cung). Nếu đi khám, thầy thuốc nắn hai bên bụng dưới kết hợp với thăm khám bên trong âm đạo, người bệnh sẽ thấy đau tăng lên do các phần phụ đang sưng tấy.
Vì sao bệnh phần phụ thường tái phát
Phần phụ có vị trí nằm sâu trong ổ bụng, lại có nhiều ngóc ngách nên rất thuận lợi cho các loại vi khuẩn ẩn náu nhưng lại hạn chế sự thâm nhập thuốc kháng sinh để chữa trị. Vì vậy khi bị viêm phần phụ cấp nếu không được điều trị đúng và đầy đủ (loại kháng sinh và thời gian dùng thuốc) sẽ dễ trở thành mạn tính.
Mặc khác, do hiện nay vấn đề cung cấp thuốc, nhất là các loại kháng sinh có rất nhiều, việc sử dụng hết sức rộng rãi, có thể mua ở bất cứ hiệu thuốc nào, vì thế nhiều chị em thấy sốt, đau bụng, ra khí hư đã tự mua về để tiêm hay uống.
Sau một vài hôm, chị em thấy sốt và đau giảm đi, ngỡ đã khỏi nên không dùng thuốc nữa. Thực tế tình trạng viêm lúc này mới chỉ giảm bớt và do thiếu điều trị chu đáo (đúng thuốc, đủ liều lượng và thời gian dùng thuốc), tổn thương ở phần phụ sẽ trở thành mạn tính, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, lao động và gây nhiều phiền phức cho việc điều trị sau này.
Hậu quả khi bị viêm phần phụ mạn tính
Một phụ nữ bị viêm phần phụ mạn tính khi hỏi kỹ tiền sử bao giờ cũng có một quá trình viêm cấp trước đó hàng tháng hoặc hàng năm. Người bệnh sau đợt viêm cấp sẽ thỉnh thoảng thấy âm ỉ đau hai bên bụng dưới, có thể một bên đau nhiều hơn bên kia. Mỗi khi hành kinh, đau bụng thường cũng tăng lên. Kinh cũng không đều và có thể ra nhiều máu. Giao hợp có cảm giác đau ở trong sâu là hiện thường thường gặp đến nỗi nhiều chị em không còn hứng thú hoặc sợ hãi mỗi khi gần chồng.
Thỉnh thoảng, nhân lúc cơ thể suy yếu thì có đợt viêm bột phát. Người bệnh sốt, đau nhức bụng dưới, ra khí hư hoặc máu bất thường giống như một trường hợp viêm cấp. Tình trạng viêm nhiễm tái đi tái lại càng làm dính các bộ phận của phần phụ với nhau và với màng bụng cũng như các khúc ruột nằm sát đó.
Viêm phần phụ không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây chửa ngoài tử cung, vô sinh
Viêm nhiễm sẽ làm ống dẫn trứng bị chít hẹp, trở nên cứng, bị gấp khúc dễ dẫn đến chửa ngoài tử cung vì noãn thụ tinh không về được đến buồng tử cung, phải làm tổ ở ngay nơi chít hẹp của ống dẫn trứng. người đã được mổ vì chửa ngoài tử cung sẽ được cắt bỏ ống dẫn trứng bên đó nhưng lần thụ tinh sau này ở ống dẫn trứng còn lại cũng rất có thể bị chửa ngoài tử cung lần nữa.
Nếu cả hai ống dẫn trứng bị tắc hoàn toàn thì người bệnh sẽ vô sinh. Nếu phần loa của ống dẫn trứng viêm dính bị bịt kín lại, các chất dịch viêm rỉ ra ứ đọng ở bên trong làm ống dẫn trứng phình to ra chứa dịch và nếu nhiễm khuẩn phát triển thì dịch này hóa mủ gây tình trạng ứ nước hoặc ứ mủ ở ống dẫn trứng khiến việc điều trị trở nên khó khăn và hết sức phức tạp.
Kết luận
Để phòng ngừa viêm phần phụ, chị em cần tránh bị nhiễm khuẩn do thiếu vệ sinh khi có kinh, khi bị sẩy thai hay sau khi đẻ, sau đặt vòng. Nếu đã bị viêm phần phụ cấp chị em cần phải đi khám và điều trị theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc để tránh thành mạn tính.
Viêm nhiễm ở phần phụ có thể lan rộng ra ổ bụng vùng tiểu khung (lòng của khung xương chậu) gây kết dính màng bụng với các quai ruột lân cận tạo nên “viêm tiểu khung” hay “viêm hố chậu”. Xét về tác hại thì viêm phần phụ không khác gì các loại viêm nhiễm khác ở đường sinh dục nhưng hậu quả của nó thì nghiêm trọng hơn, đặc biệt là gây vô sinh hoặc chửa ngoài tử cung.
Benh.vn