Sóng thần là một chuỗi các con sóng lớn, có thể cao đến hàng chục mét, có sức tàn phá rất lớn, đổ vào những vùng hải đảo, ven biển. Khi thấy các dấu hiệu sau, những người sống gần ven biển nên lưu ý để có hướng xử lý kịp thời tránh những thiệt hại về con người.
Mục lục
Các dấu hiệu cảnh báo
Lưu ý về những dấu hiệu cảnh báo sóng thần sắp đến, mà động đất là cảnh báo đầu tiên. Dấu hiệu nữa là sự tăng giảm bất thường của mực nước biển. Nếu nước biển bỗng dưng rút ra xa rất nhanh, để lại bờ trơ trọi thì đây chính là dấu hiệu cảnh báo quan trọng cho thấy sắp sửa có những trận sóng khổng lồ ập vào đất liền.
Ngay cả hành vi thay đổi của các loài vật cũng là dấu hiệu phải quan tâm như chúng rời khỏi khu vực, hay co cụm lại với nhau tìm chỗ ẩn náu. Còn đối với những cảnh báo của nhà chức trách, chúng ta cũng cần nhớ luôn lưu ý và thông báo kịp thời cho người thân, bạn bè và cộng đồng.
Tìm chỗ sơ tán an toàn
Nếu sóng thần đang ập vào đất liền, chúng ta cần phải phản ứng ngay lập tức. Hãy di dời sâu vào đất liền và lên những chỗ cao ráo, như trèo lên đồi, núi. Đặc biệt, cần rời xa ngay lập tức những khu vực gần nguồn nước như hồ, ao, sông, ven biển. Đừng chờ đợi đến khi có thông báo chính thức về sóng thần, Trong trường hợp bạn bị kẹt không thể sơ tán, lựa chọn tốt nhất bây giờ chọn một tòa nhà cao, vững chãi và leo lên nóc.
Phản ứng trong dòng nước
Hãy phản ứng nhanh chóng nếu bạn bị cuốn trong dòng nước. Cách tốt nhất là bám vào những vật nổi được như cánh cửa, khúc gỗ… để không bị nước nhấn chìm. (Hãy bỏ lại mọi tư trang, vì mạng sống của bạn trong dòng nước sóng thần giờ đây quan trọng nhất).
Trú ẩn an toàn
Sau khi đã thoát khỏi cơn sóng dữ, cần trú ẩn ở nơi an toàn nhất, vì những đợt sóng thần sẽ kéo dài đến vài giờ, sóng sau mạnh hơn sóng trước. Phải kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi nhận được thông tin qua đài báo về tình hình an toàn.
Không quay trở lại bờ biển ngay sau khi vừa hết đợt sóng đầu tiên. Theo dõi thông tin, chờ nhận được tin cuối cùng về sóng thần hãy trở về.
Sau khi sóng thần qua đi, nỗi lo lớn vẫn còn, đó là tình trạng thiếu lương thực, nước uống, thuốc men. Như những bài học mà những nạn nhân sóng thần Nhật Bản đã làm đó là lòng can đảm, sự kiên nhẫn và tình đoàn kết, những người còn sống sau thảm họa khủng khiếp này.
Lưu ý:
Nếu bạn ở ngoài khơi thì không nên trở về cảng khi có tin về cảnh báo sóng thần. Chủ tàu có thể đưa tàu ra biển nếu đủ sức thời gian và được phép (đừng mạo hiểm tính mạng bằng cách cố di chuyển đến vùng nước sâu nếu như những con sóng đầu tiên đã đến quá gần). Khi được cảnh báo sóng thần hãy tìm đến những vùng nước sâu trên 300m. Mọi người không nên ở trên những con tàu neo đậu bến cảng vì sóng thần có sức mạnh khủng khiếp, sẽ phá hủy tất cả mọi vật trên đường đi của nó.
Khi sóng thần sắp tiến vào bờ mực nước biển có thể dâng cao hay hạ xuống khá nhanh dọc bờ biển, không được lội xuống nước để chụp ảnh, quay phim.
Ở Việt Nam, Viện Vật lý địa cầu là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm ra quyết định cảnh báo sóng thần, chịu trách nhiệm theo dõi, phân tích, cảnh báo kịp thời trên hệ thống khi có nguy cơ xảy ra sóng thần và ảnh hưởng đến Việt Nam.
Benh.vn