Ngày nay, theo khuyến cáo của chương trình tiêm chủng mở rộng, mọi trẻ em sinh ra đều được tiêm chủng nếu đủ điều kiện sức khỏe. Ngoài các mũi tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, các bà mẹ còn có nhiều lựa chọn hơn khi có rất nhiều loại bệnh đã có vắc xin tiêm phòng như rubella, thủy đậu, viêm não nhật bản, viêm màng não mủ…
Đến khi nào thì bé phải tiêm mũi ngừa bệnh nào? Làm sao để nhớ chính xác ngày tiêm chủng cho trẻ nếu bé có quá nhiều mũi tiêm và thời gian tiêm nhắc lại đôi khi kéo dài đến vài năm sau? Những câu hỏi này đã làm đau đầu các bậc cha mẹ và cả bác sĩ khi phải giải quyết những trường hợp mẹ đưa bé đi tiêm quá trễ so với lịch hẹn để nhiều bé phải tiêm lại từ đầu hay lịch tiêm trở nên quá dày do mũi tiêm nào cũng cần thiết phải tiêm ngay vì để quá lâu mũi tiêm sẽ không phát huy hết tác dụng. Một vài cách sau đây để giúp các mẹ nhớ được lịch tiêm chủng cho bé:
Cách để nhớ lịch tiêm chủng của trẻ
1. Nên giữ sổ tiêm chủng của con cẩn thận. Thỉnh thoảng bạn nên lấy sổ ra xem và dùng bút viết đậm lại nếu nét mực đã mờ (vì có những mũi hẹn tiêm đến vài ba năm sau, nét chữ mờ dần sẽ không đọc được).
2. Nên qui định mỗi tháng xem sổ tiêm chủng một lần. Nếu trong tháng đó có ngày tiêm nhắc chủng của con thì bạn lập tức khoanh vào lịch để cả 2 vợ chồng cùng nhớ ngày phải đi tiêm.
3. Nếu đến ngày tiêm nhắc lại mà có công chuyện bận phải hoãn, hoặc bé bị ốm không đi tiêm được thì ngay khi xong việc hoặc ngay khi bé khỏi bệnh bạn nên đưa con đi tiêm vì để lâu quá sẽ quên, sót mũi hoặc phải tiêm bổ sung liên tiếp thì khổ bé.
4. Không nên tiêm ở nhiều nơi để tránh bị trùng mũi và phải lưu nhiều giấy tờ.Tốt nhất là chỉ có một quyển sổ duy nhất theo dõi lịch tiêm và các bác sĩ sẽ điền vào đó sau mỗi lần tiêm cho bé để cha mẹ có thể nắm được.
Benh.vn