Kinh tế khó khăn tác động lên đời sống kinh tế của người dân, thậm chí thị trường bánh trung thu phục vụ tết rằm tháng 8 của trẻ em cũng chịu không ít ảnh hưởng… Nếu như trước rằm, các cửa hàng, cửa hiệu bán bánh trung thu thưa thớt người mua thì ngược lại sau rằm, số người đi mua bánh “hạ giá” khá đông đảo.
Mục lục
Vậy, vì sao người dân lại đi mua bánh sau rằm? Bánh trung thu sau rằm có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm không? Chúng ta cùng tham khảo nghịch lý này?
Quy trình làm bánh trung thu
Bánh trung thu bao gồm hai thành phần cơ bản là vỏ bánh và nhân bánh, và tùy theo vỏ bánh người ta lại chia thành bánh nướng và bánh dẻo.
Các nguyên liệu làm nhân bánh có thể bao gồm: mứt, xá xíu, lạp xường, đậu xanh, trứng muối, đường, dầu ăn, mỡ lợn, hạt sen, hạt dưa,…
Bánh trung thu (Ảnh minh họa)
Bánh nướng có vỏ làm từ bột mì, nước đường đun lẫn mạch nha, dầu ăn. Sau khi nặn bột đã ngào bao quanh nhân bánh, người làm bánh cho bánh vào khuôn ép rồi đem bánh nướng trong lò cho tới khi chín. Trong quá trình nướng bánh thường được phết thêm lòng đỏ trứng.
Bánh dẻo có vỏ và nhân đều đã được làm chín từ trước, ngoài ra cũng thường gặp bánh dẻo chay không nhân. Bột vỏ bánh được làm từ gạo nếp rang rây mịn, chút hương liệu như vani hay nước hoa bưởi, nước đường. Người làm bánh ngào bột, bao nhân và đem ép trong khuôn đã rắc chút bột chống dính. Sau khi tháo khuôn bánh đã có thể sử dụng được ngay không cần bất cứ biện pháp chế biến nào khác.
Cách bảo quản bánh trung thu
– Để trong ngăn mát tủ lạnh (nhiệt độ phù hợp bảo quản bánh không bị mốc..)
– Thời gian bảo quản: khoảng 2 tuần.
Lưu ý: Từng theo loại sản phẩm và hãng sản xuất có thời gian bảo quản khác nhau. Có những hãng, bánh có thể để được gần 1 tháng. Tuy nhiên cũng có hãng chỉ để được trong một tuần hoặc vài ngày..
Bánh đại hạ giá sau rằm
– Mua hai tặng một,.
– Giảm giá 50%.
– Giảm giá 80%,…
– Tuy nhiên, các cửa hàng bày bán sản phẩm của các thương hiệu lớn đều đóng cửa sau ngày rằm.
Bánh trung thu sau rằm đi đâu?
Bánh trung thu hạ giá là lựa chọn của những gia đình lao động nghèo (Ảnh minh họa)
– Mua làm quà về quê sau rằm.
– Mua để ăn vì sau rằm giá bánh giảm, đỡ tốn kém.
– Các hãng lớn thu hồi bánh ế…
Ý kiến của người dân
1. Người bán
Chị N (Bà Triệu, Hà Nội)
“Cửa hàng không treo biển, nhưng nếu khách mua chúng tôi sẽ khuyến mãi: mua 1 tặng 1, mua 1 hộp bánh 4 chiếc giảm 30%.”. Việc giảm giá được thực hiện từ chiều ngày 15.8 (âm lịch), và tối đa giảm 50%/chiếc.
Chị H (Đại Cồ Việt, Hà Nội)
Năm nay, số lượng bán bánh không chênh lệch nhiều so với năm ngoái, lượng bánh tồn đọng không đáng kể.
Tuy nhiên, tâm lí chung người mua hàng, sau ngày tết trung thu nếu không giảm giá “mạnh” sẽ rất khó bán. Cửa hàng bánh của chúng tôi giảm giá bắt đầu từ sáng 16/8 và thu hút khá đông người mua…
2. Người mua
Chị T (Xuân Thủy, Cầu Giấy)
“Sau rằm, tôi ghé qua cửa hàng bán bánh trung thu, thấy bánh giảm giá chỉ còn một nửa nên mua về cho các cháu ăn cho “đã”.
Các cháu ở nhà rất thích ăn bánh, tuy nhiên trước rằm, giá bánh cao mà túi tiền thì có hạn nên không mua được nhiều, phải đợi đến hôm nay mới dám mua”.
Chị M làm lao công (Cổ Nhuế, Hà Nội)
“Hàng năm, cứ sau ngày trung thu chị M lại tìm đến những cửa hàng giảm giá bánh trung thu để mua bánh.
Chị M chia sẻ: “Những người lao động như tôi nếu vào đúng dịp thì sẽ không mua được bánh, nên chỉ đợi sau trung thu để mua bánh và thưởng thức đêm rằm vào ngày 16.8 (âm lịch)”.
Đánh giá của các cơ quan chuyên ngành trước tết trung thu
Thị trường bánh trung thu năm 2013, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sản phẩm, mẫu bánh trung thu hết hạn sử dụng vẫn được tung ra thị trường. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện nhiều vụ làm nhân bánh nhập từ Trung Quốc.
Bánh trung thu mốc được chi cục quản lý thị trường phát hiện ở Thái Bình
Kết quả khảo sát chất lượng bánh trung thu năm 2013 tại Hà Nội được Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng) chỉ ra: 3/10 mẫu bánh (tại 5 cơ sở) có số nấm men mốc vượt từ 9-780 lần giới hạn cho phép, một mẫu bánh có chứa khuẩn ecoli vượt giới hạn cho phép và 2/10 mẫu ghi thiếu nội dung trên nhãn mác.
Thực trạng sau tết trung thu
Một ngày sau rằm trung thu, trên đường phố Hà Nội đã không còn các biển hiệu quảng cáo bánh trung thu của các nhãn hiệu lớn như Kinh Đô, Hữu Nghị… Các tiệm bánh di động cũng đã được tháo dỡ hết. Thực tế, hầu hết hãng bánh lớn đều đã tiến hành việc thu hồi bánh ngay từ trước đêm rằm.
Với bánh trung thu của các thương hiệu lớn, khách sạn, nhà hàng lớn thì thường hết hạn ngay sau trung thu 1,2 ngày. Vì thế, chỉ có bánh của các cửa hàng nhỏ, hoặc bánh nhập từ các làng nghề quanh Hà Nội được bày bán giảm giá rộng rãi sau dịp tết Trung thu….
Theo quan sát, số người mua bánh giảm giá khá đông, chủ yếu khách mua là những người lao động nghèo, người dân xung quanh khu vực Hà Nội và những cửa hàng bánh từ các tình về mua nguyên liệu để chế biến lại…
Lưu ý khi mua bánh Trung thu sau rằm
Bánh trung thu phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và chất bảo quản. Do sản xuất sớm, hàng không tiêu thụ nhanh, tồn đọng nhiều mà chủ cửa hàng, đại lý vẫn muốn bán cho bằng hết, nên khách mua phải hàng hết hạn sử dụng là chuyện bình thường.
Người tiêu dùng mua bánh phải xem rõ nguồn gốc, hạn sử dụng…(Ảnh minh họa)
Những năm gần đây, các cơ quan chức năng đã bắt được nhiều vụ làm nhân bánh nhập từ Trung Quốc. Không ít diễn đàn chỉ ra đã mua phải bánh hết hạn sử dụng cũng như bị ngộ độc do ăn bánh. Vì vậy, khi lựa chọn các sản phẩm bánh trung thu, người tiêu dùng cần chú ý đến nguồn gốc, nơi sản xuất, hạn sử dụng.,,
Đối với các sản phẩm bày bán trên vỉa hè, cần được để trong tủ quầy hoặc trong hộp, phải được che đậy. Bởi do lợi nhuận, rất nhiều công ty, tư nhân sản xuất bánh, tạo nên sự hỗn loạn về mẫu mã cũng như chất lượng bánh.
Vì vậy, đã có biết bao nhiêu người mua phải bánh kém chất lượng, bánh chứa chất độc… của những chiếc bánh còn tồn sau ngày rằm? Đó là câu hỏi ngỏ vẫn đang chờ các cơ quan chức năng xem xét…
Lời kết
Một năm chỉ có duy nhất một tết trung thu..Tết trung thu không chỉ đem lại niềm vui cho con trẻ mà còn là ngày hội để đại gia đình quây quần bên mâm cỗ đêm rằm.
Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn, đời sống eo hẹp nên nhiều gia đình tổ chức đêm rằm vào ngày 16/8 (sau rằm) để đỡ tốn kinh phí.
Nghịch lý này gây nên nhiều bất lợi cho người tiêu dùng bởi các sản phẩm “giảm giá đặc biệt” chủ yếu lá của các cửa hàng nhỏ lẻ, các gia đình sản xuất theo lối truyền thống, các loại bánh không rõ nguồn gốc..…còn các hãng lớn đã chủ động thu hồi vào ngày cuối của đêm rằm (15/8).
Từ thực tế trên, người mua bánh trung thu sau rằm cần lưu ý phân biệt, lựa chọn các hãng bánh uy tín, xem xét nguồn gốc, thời hạn sử dụng… không nên ham rẻ, ham hàng khuyến mãi mà để xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Benh.vn