Số người đi hiến tinh trùng không nhiều, nhưng cũng đủ để các y tá dở khóc dở cười vì có người đàn ông hồ hởi đến hiến tặng tinh trùng vì nghĩ là sẽ được làm “việc ấy” với người nhận.
Mục lục
Ngày nào cũng đòi hiến
Ai đã từng đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương đều có thể bắt gặp một tờ rơi dán trên tường, tại cầu thang, toa let… của một người đàn ông sẵn sàng cho tinh trùng. Trong tờ rơi ghi rõ số điện thoại di động để liên lạc.
Đó cũng là một trường hợp quá nhiệt tình đến mức bệnh hoạn mà các y tá làm việc tại phòng hiến tinh trùng gặp phải. Y tá trưởng Hoàng Minh Phương cho biết: “Người “quảng cáo” ấy là kỹ sư đã có 3 con. Mặc dù chúng tôi không đòi hỏi biết rõ người hiến tinh là ai, nhưng anh ta đã để lại số điện thoại, email. Sau khi tôi nhận mẫu tinh đầu tiên của anh ấy và phát hiện ra anh ấy gần như ngày nào cũng đến đây để đòi… hiến. Anh hiến 1 lần, 2 lần là quá lắm. Đằng này anh ta còn quảng cáo tên mình ở bệnh viện, nên chúng tôi phải nhờ bảo vệ mời về vì đã vi phạm”.
Y tá Phương cho rằng, anh kỹ sư này thực sự có một ý muốn bệnh hoạn là sẽ có con đàn cháu đống, nòi giống được trải ra khắp nơi trên cả nước!
Tưởng nhầm là được làm “chuyện ấy”…
Có một số người đàn ông hồ hởi đến hiến tặng tinh trùng vì nghĩ là sẽ được giao hợp… trực tiếp với người nhận tinh trùng!
Khi y tá phát cho một cái lọ và dẫn vào phòng lấy tinh chất thì họ mới ớ người ra và nét mặt lộ rõ vẻ… tụt hứng.
Sẵn sàng nhưng không dễ dàng
Những người đến hiến tinh đa phần đã xác định tư tưởng thoải mái nên hiến tinh rất nhanh. Nhưng cũng có người, do quá nhạy cảm với tiếng động ở bệnh viện mà vật vã cả ngày trời không thể xuất tinh được. Chỉ cần một tiếng động nhẹ là họ “thụt luôn”.
Lại còn có sinh viên hẹn với Trung tâm nam học và hiếm muộn Hà Nội vào lúc 2h sáng, với lý do chỉ lúc đó, “chính chủ” mới có thể xuất binh. Chính vì thế, TS Lê Vương Văn Vệ lại phải cử nhân viên đợi người hiến tinh đến tận đêm khuya để nhận sản phẩm.
Các vị y bác sỹ còn nhắc mãi chuyện một ông chuyên bán rau đến xin hiến tinh nhiều lần với lý do ông đưa ra là đã có 3 con khỏe mạnh đều tốt nghiệp đại học, nên muốn hiến tinh để tạo “mầm tốt” cho xã hội.
Những nỗi niềm
Đại đa số người đi hiến tinh với hy vọng giúp cho người khác. Nhưng cũng có những người đi hiến tinh với mục đích lưu trữ “nòi giống” của mình.
Phương Đức là một người như vậy. Chỉ còn vài tháng nữa là đến ngày cưới vợ thì anh nhận được hung tin về căn bệnh ung thư phổi của mình. Không muốn đem lại khổ đau cho người vợ sắp cưới, anh đành từ chối cuộc hôn nhân kia.
Nhưng vì Đức là con một, nên mẹ anh, ngoài cảm giác xót xa, mẹ Đức cũng mong muốn làm việc gì đó để duy trì nòi giống tổ tiên. Không thể thuyết phục con cưới vợ, sinh con như bao người khác, bà đành thuyết phục anh đi lưu giữ “tinh binh'”.
Các y bác sỹ cho biết có người đến hiến tinh trùng rất nhiệt tình muốn biết người nhận, thậm chí tặng tiền để người nhận nuôi con vì sợ họ gặp khó khăn.
Tấm lòng của họ các y bác sỹ chỉ ghi nhận nhưng không thể thực hiện vì những lý do tế nhị.
Thụ tinh nhân tạo và những thực trạng
Theo các bác sỹ, một trong những lý do người nhận tinh trùng rất sợ gặp người hiến tặng vì nguy cơ “đòi con” sau này. Nhiều người nhận, sau khi có kết quả, ngay lập tức thay đổi số điện thoại, thay đổi chỗ ở, thậm chí là bán nhà để cắt đứt liên lạc hoàn toàn với bệnh viện.
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã từng đích thân đi thăm một trường hợp thụ thai thành công từ tinh trùng hiến tặng, nhưng khi đến nhà thì thấy cửa đóng then cài. Hàng xóm cho biết người đó đã bán nhà và chuyển đi nơi khác.
Benh.vn (Theo xaluan)