Cơn gió sáng nay mang theo hơi lạnh dịu dàng len vào ô cửa nhỏ, báo hiệu mùa thu khe khẽ về. Rời màn hình máy tính nhìn xuống cuốn lịch bàn, tôi chợt ngỡ ngàng nhận ra: chỉ còn đôi ba ngày nữa là tới Rằm Tháng Tám!
Hẳn bạn sẽ thắc mắc vì sao những sạp bánh nướng bánh dẻo trên khắp các con phố Hà Nội kia không làm tôi mảy may nhớ tới ánh trăng Rằm. Không phải vì chúng thường được dựng lên từ trước ngày Rằm tận hai ba tháng trời, làm vơi đi nỗi mong chờ ngày hội; cũng không phải vì chúng không đủ rực rỡ để nhắc nhở lòng người. Chỉ là, Trung Thu trong tôi mang một dư vị khác.
Trung Thu trong tiềm thức của tôi bắt đầu từ truyền thuyết thuở xa xưa trong lời kể của bà. Sự tích nàng Hằng Nga vô tình nuốt phải thuốc tiên mà bay thẳng lên cung trăng khiến Hậu Nghệ chồng nàng ngày đêm trông ngóng. Sự tích chàng Cuội vì tiếc cây thuốc quý cứu người, ôm chặt cây bay tận lên đây rồi ngày ngày ngồi gốc. Hay gần hơn là sự tích vua Đường Minh Hoàng của Trung Quốc, vì tiếc thương Dương Quý Phi mà được tiên ông đưa lên cung Quảng Hàn gặp nàng. Vua say mê cảnh trăng lung linh huyền diệu và nhớ thương người cũ đến nỗi khi trở về liền cho xây Vọng Nguyệt Đài, đặt ra ngày lễ Trung Thu để mọi người dân được trông trăng và ca hát Khúc Nghê Thường…
Trung Thu trong tiềm thức của tôi bắt đầu từ truyền thuyết thuở xa xưa về nàng Hằng Nga trong lời kể của bà.
Nhiều điển tích là vậy, nhưng thật ra Trung Thu có tự bao giờ, không một ai biết. Chỉ biết rằng cứ vừa bước vào tháng Tám hằng năm là trong lòng lũ trẻ con chúng tôi khi xưa lại nôn nao một nỗi mừng vui khó tả!
Tháng Tám, nhịp thời gian thong thả lạ. Đạp xe khắp phố phường những ngày như thế, bạn dễ dàng nhận ra thứ dư vị ngọt ngào lan tỏa trong không gian. Đó là màu sắc rực rỡ hư ảo của giấy bóng kính căng trên những chiếc đèn giản đơn nhưng thú vị làm từ tre nứa: đèn ông sư với năm cánh năm màu tỏa ra như đóa hoa đang bừng nở; đèn ông sao đỏ chói với dây màu xanh lá cây và cái cờ tổ quốc xinh xinh trên nóc; đèn con cá, đèn con thỏ, đèn con cua… mỗi đèn mỗi vẻ mời gọi lũ trẻ con. Đó là mùi bánh nướng bánh dẻo thơm thơm tỏa ra từ tiệm bánh trên đường. Hai thức bánh ấy lúc bấy giờ còn đơn giản lắm, không có nhiều hình dáng, kích cỡ và hương vị như bây giờ. Chúng cũng không được đóng gói hình thức thành những hộp vuông vức, lịch sự xếp đằng sau những tủ kính và những cánh cửa mát lạnh, kín bưng. Hồi ấy, chỉ cần đi qua một tiệm bánh là bạn đã thấy hương thơm quen thuộc, làm dậy lên nơi đầu lưỡi nào vị lạp xường, mứt bí, nào hạt sen, lòng đỏ trứng gà…và đặc biệt là cả vị nồng nàn của lá chanh thái sợi. Đó là tiếng trống tập múa lân đây đó làm rộn ràng trái tim con trẻ. Đó là màu đỏ cam rực lên của những rổ hồng trong chợ. Đó là hương thơm ngan ngát của cốm làng Vòng…
Tháng Tám, người lớn chiều lũ trẻ con hơn ngày thường: ông bà cha mẹ dù bận bịu mấy cũng chịu khó chuẩn bị một món đồ chơi làm vui lòng bọn nhóc. Trẻ con chúng tôi tất nhiên cũng tự chuẩn bị cho mình những thứ đồ chơi riêng. Ngày ấy cứ mỗi độ sen tàn là chúng tôi đã bắt đầu gom hạt bưởi chuẩn bị đốt Trung Thu. Những hạt bưởi trắng ngần chính là những niềm háo hức bé con được xâu thành chuỗi, phơi đầy trên các mái nhà…
Tiếng trống thùng thình, tiếng cười nói nô nức. Trẻ con cứ say mê đi mãi theo đám múa lân chẳng muốn dừng.
Tháng Tám, đêm Rằm, trời không một gợn mây, trăng tròn đầy, sáng rực. Khoảng 7 giờ tối là lũ trẻ trong xóm đã hẹn nhau mang đèn rồng rắn rước ngoài đường, vừa đi vừa hát bài “Tùng rinh rinh”, gặp hội múa lân là reo hò nhảy múa. Ở trong ký ức của tôi, những anh chị múa lân vô cùng tài giỏi, có thể trang trí cho đầu lân thật lộng lẫy và nhảy múa đẹp quá chừng! Múa lân tượng trưng cho may mắn, phúc lộc nên được chào đón ở khắp nơi, nhiều nhà còn thưởng tiền, thưởng kẹo. Tiếng trống thùng thình, tiếng cười nói nô nức. Trẻ con cứ say mê đi mãi theo đám múa lân ấy chẳng muốn dừng.
Trăng lên cao là lúc trở về nhà phá cỗ trông trăng cùng bố mẹ. Tôi mãi nhớ hình ảnh cả gia đình tôi trải chiếu quây quần trên mái nhà ngây ngất ánh trăng. Dưới ánh nến vàng cùng ánh trăng bạc, mâm cỗ chứa đầy thức quà tinh túy của trời Thu được xếp đặt khéo léo dưới bàn tay mẹ, đặt cạnh chiếc bánh nước bánh dẻo ngọt sắc và ông tiến sĩ oai phong. Mẹ bảo tôi rằng, ông tiến sĩ giấy là ước mong con sau này đỗ đạt vinh hiển. Mâm cỗ Trung Thu bởi vậy không chỉ là hình ảnh tượng trưng cho tình yêu thương gắn kết của những con người ruột thịt trong một gia đình, mà còn là niềm tin, hi vọng mà cha mẹ dành cho con trẻ.
Nhiều người nói với tôi: “Giờ đây không thể tìm đâu ra Trung Thu ngày cũ nữa, đêm Trung Thu đã mất đi ý nghĩa của nó rồi.” Tôi tin không phải vậy. Tôi biết rằng thật khó kiếm tìm một ánh trăng rơi giữa những tòa nhà cao tầng và đèn điện rực sáng. Tôi biết rằng đồ chơi hiện đại đã ào ạt chiếm chỗ của những cây đèn truyền thống thuở xưa. Tôi cũng biết bánh nướng bánh dẻo nhiều khi đã trở thành những món quà mang ý nghĩa khác. Nhưng tôi cũng luôn có một niềm tin rằng tình yêu thương trong gia đình dẫu có bao biến cố xảy ra cũng giống như ánh trăng kia – mãi vẹn nguyên không bao giờ thay đổi. Sau bao tháng ngày mệt mỏi trên bước đường đời, chắc chắn sẽ vẫn có những người con mong mỏi Tết Đoàn Viên để được trở về nhà, sà vào vòng tay cha mẹ.
Dẫu rằng mỗi thời mỗi khác, cuộc sống giờ đây dù có xô bồ, bận bịu, hãy gắng chậm lại nhịp sống chỉ vài phút giây thôi, nghĩ về những người thương yêu nhất. Tin rằng không phải những món quà xa hoa hay nghi thức cầu kỳ nào khác, tình yêu nguyên sơ sẽ mang đến cho gia đình bạn mâm cỗ Trung Thu tràn đầy ấm áp và thơm ngát hương trăng.
Benh.vn