Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hàng năm trên thế giới có khoảng 1 triệu người chết vì tự tử nghĩa là khoảng 3.000 người chết mỗi ngày. Đây là thực trạng đau xót và cả sự bàng hoàng, hoang mang không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới.
Mục lục
Tính đến nay, số vụ tự tử đã tăng gấp 60% so với 50 năm qua và dự báo đến năm 2020, con số người chết vì tự tử trên toàn cầu sẽ tăng thành 1,5 triệu mỗi năm, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Điều đáng lo ngại là độ tuổi có hành vi tự tử đang bị trẻ hoá, tập trung chủ yếu vào lứa tuổi 15-25 tuổi.
Nguyên nhân tự tử tuổi vị thành niên tại Việt Nam
Chúng ta thường nghe và chứng kiến nhiều vụ việc tự tử mà nguyên nhân là những chuyện hết sức đơn giản, nhỏ nhặt: thất tình, bị nghi ngờ lấy trộm đồ, bị gia đình ngăn cấm chuyện tình cảm, bị thầy cô giáo phạt, bị cha mẹ mắng chửi… hoặc đơn giản chỉ vì muốn được “chết cùng nhau”. Những cái chết thương tâm chỉ vì muốn thoát khỏi những rắc rối được người lớn cho là “vụn vặt, nhỏ bé” của các em đã để lại nỗi đau dằn vặt cho gia đình, thầy cô và bạn bè.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tự tử ở tuổi vị thành niên (Ảnh minh họa)
Trường hợp cô nữ sinh lớp 12 ở trường THPT Phan Châu Trinh ( Đà Nẵng). Sau khi nghỉ học ở nhà để điều trị bệnh trầm cảm, chỉ trong chút “sơ sểnh” không ai để ý N.T. B.T đã giã từ cuộc đời bằng “cú” nhảy lầu tại ngay chính ngôi trường em đang theo học.
Sáng 28/02/2012, tại phòng 303 kí túc xá trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) xảy ra sự cố mất đồ. Nữ sinh M.T lớp 12 Anh bị nghi ngờ lấy cắp đồ của bạn cùng phòng. Không chịu được áp lực từ bạn bè và để chứng minh mình trong sạch, M.T đã treo cổ ngay trong phòng kí túc xá. Khi mọi người phát hiện ra thì mọi chuyện đã quá muộn. Trước khi tự tử M.T đã viết một bức gửi cho bố, trong đó T nói lên tình cảm của mình đối với bố và xin lỗi bố vì hành động này. Ngoài ra, M.T còn gửi một bức thư cho 7 người bạn cùng phòng với lời nhắn: “Mình không làm gì có lỗi với các bạn!”
Một nữ sinh trung cấp trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) chết thảm khi nhảy từ trên tầng xuống đất, nguyên nhân đơn giản chỉ vì… cãi nhau với bạn trai.
Gia đình hạnh phúc sẽ giảm tỷ lệ tự sát ở lứa tuổi vị thành niên (Ảnh minh họa)
Một cậu học sinh lớp 8 Trường THCS Thái Sơn (Nghệ An) giận vì bị mẹ mắng chửi cũng treo cổ trên cành xoan; rồi tiếp đến một nam sinh lớp 9 cũng ở Nghệ An nhảy cầu tìm đến cái chết vì chán học. Hay như sự việc đau lòng hồi đầu tháng 3 vừa qua khi có 3 học sinh ở tỉnh Đắc Nông được đưa vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch và chỉ trong khoảng 30 phút sau, cả 3 học sinh này đều đã tử vong. Cơ quan điều tra đã thu giữ được một chai nuớc cam đang uống dở cùng nhiều bức thư để trong cặp của các học sinh viết cho nhau với nội dung “muốn được chết cùng nhau”.
Ngày 7/4/2013, nữ sinh mới 14 tuổi ở Nghĩa Bình (Tân Kỳ, Nghệ An) cũng đã lẳng lặng lội thẳng ra dòng sông Con…, khi mọi người phát hiện thì cô bé đang vùng vẫy giữa dòng nước và đành bất lực khi thấy cô chìm dần.
Nguyên nhân tự tử tuổi vị thành niên trên thế giới
Ít ai ngờ rằng đất nước Hàn Quốc xinh đẹp lại chiếm vị trí thứ hai trong top 5 quốc gia có tỷ lệ tự sát cao nhất hành tinh. Trong năm 2010, chính phủ quốc gia này buộc phải thừa nhận, tự sát là nguyên dân chính dẫn đến tỷ lệ tử vong ở độ tuổi dưới 40 tăng vọt.
Đặc biệt, vấn nạn tự sát của Hàn Quốc được giới truyền thông chú ý nhiều hơn sau những cái chết của nhiều nhân vật nổi tiếng, như cựu tổng thống Roh Moo-hyun, triệu phú Lee Yooon-hyung, ca sỹ Nee Chae Dong Ha, cầu thủ Yoon Ki-Won, siêu mẫu Daul Kim, diễn viên Choi Jin Sil (tự tử năm 2008) và một số diễn viên đình đám khác.
Hàn Quốc đất nước đứng thứ 2 trên 5 quốc gia có tỷ lệ tự sát cao nhất (Ảnh minh họa)
Các nhà tâm lý học cho rằng, tỷ lệ tự sát cao ở Hàn Quốc có liên quan tới đặc trưng quốc gia. Người Hàn Quốc thường có thói quen không biểu lộ cảm xúc thật và ít khi yêu cầu sự giúp đỡ khi gặp khó khăn. Ngoài ra, những nhóm nghề như diễn viên, ca sỹ thường phải chịu áp lực quá lớn từ công việc và sức ép từ dư luận. Đó là lý do quan trọng khiến họ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, dẫn đến tự kết liễu cuộc sống.
Nhật Bản – đất nước Mặt trời mọc vốn nổi tiếng thế giới với những con người siêng năng, cần cù, thông minh, quả cảm và kỷ luật. Nhưng bên cạnh đó, xứ sở hoa anh đào cũng còn được biết đến là nơi có áp lực cuộc sống cao nhất thế giới. Đây chính là nguyên nhân khiến 1/4 dân số ở nước này từng nung nấu ý định tự tử. Về giới tính, 27,1% số người từng muốn tự tử là phụ nữ, 19,1% là nam giới.
Áp lực cuộc sống làm gia tăng tỷ lệ tự tử ở Nhật Bản
Tại Anh, đầu tháng 4/2013, Philip Elliott một kĩ sư vừa nhận bằng tiến sĩ vật lí tại trường đại học Reading đã quyết định kết thúc cuộc đời ở tuổi 31vì không xin được việc và những áp lực từ cuộc sống. Philip Elliott đã nhảy xuống từ tầng 6 tại khu nhà anh đang ở.
Những câu chuyện đau lòng về thực trạng tự tử thì không thể nào kể xiết. Nhưng nguyên nhân chính dẫn đến tự tử từ bệnh lý và tâm lý có thể kể đến:
- Mâu thuẫn gia đình
- Áp lực công việc, thi cử
- Áp lực từ dư luận
- Khủng hoảng tâm lý, trầm cảm
- Bị thất tình
- Bị thầy cô giáo phạt
- Bị cha mẹ mắng chửi
- Ảnh hưởng bởi game online
- Rơi vào tình thế hoảng loạn …
Ngăn chặn tự tử – trách nhiệm của toàn xã hội
Các chuyên gia nhận định: tự tử hoàn toàn có thể hạn chế, ngăn chặn được.
Theo bà Nguyễn Vân Anh, người sáng lập Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý (PCP) cho biết, phần lớn người tự tử là những người bình thường, chỉ có một số ít được chẩn đoán là mắc bệnh tâm thần. Những cảm giác lo sợ, bất an, trầm cảm kéo dài là yếu tố cảnh báo cho suy nghĩ tự tử, tuy nhiên, phần lớn người xung quanh chưa có đủ kỹ năng để phát hiện, ngăn chặn.
Cũng giống như các nước đang phát triển, ở nước ta số vụ tự tử đang gia tăng nhanh chóng. Thanh niên từ 15 – 24 tuổi là nhóm có ý định tự tử cao nhất, trong đó tỷ lệ nữ cao gấp hai lần so với nam. Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam (năm 2010) đối với 10.000 người trong nhóm tuổi này cho thấy, 4,1% người nghĩ đến chuyện tự tử, 25% đã tìm cách kết thúc cuộc sống.
Từ thực tế trên, bà Nguyễn Vân Anh cho rằng, để ngăn ngừa nhóm trẻ tự tử cần có những phương pháp:
- Xây dựng các mối quan hệ gia đình, thầy trò, bạn bè trên tinh thần bình đẳng, cởi mở.
- Bố mẹ có trách nhiệm quan tâm, chia sẻ, giành tình yêu thương cho con cái nhiều hơn.
- Thay đổi quan niệm xã hội về những vấn đề nhạy cảm như: trinh tiết, bạo lực gia đình..
- Nâng cao trách nhiệm trong công tác truyền thông về vấn đề tự tử. Thực tế theo thống kê cho thấy, 95% tiêu đề bài báo là giật gân, 43% đưa hiện trường tự tử, 44% mô tả tường tận phương thức tự tử và 91% lý giải một cách đơn giản về hành vi tự tử.
Theo các chuyên gia tâm lý, ý nghĩ tự tử có mối liên hệ rõ ràng với tình trạng hôn nhân, thu nhập thấp, lối sống. Bởi thế, sau mỗi đợt thi Cao đẳng – Đại học hay gia đình nào bố mẹ không hòa thuẫn… thì thấy rõ số vụ tự tử tăng lên đột biến.
Đứng trước vấn đề tự tử, các chuyên gia khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần hiểu rằng, lứa tuổi trẻ vị thành niên là một lứa tuổi dễ bị tổn thương. Trẻ có lòng tự trọng cao, khi bị bị tổn thương càng dễ tự sát. Những trường hợp này lại thường rơi vào hoàn cảnh ít được bố mẹ quan tâm, chia sẻ, hoặc bị cha mẹ áp đặt. Các bậc phụ huynh cần phải quan tâm hơn đến con mình, chứ không chỉ đơn giản ở việc đáp ứng nhu cầu vật chất cho con cái. Không chỉ cho con học kiến thức thông thường mà trong giao tiếp hằng ngày, cha mẹ nên dạy cho con cách đối diện với khó khăn, thất bại cũng như những tình huống có thể khiến tinh thần của các em gặp “khủng hoảng”.
Một trong những đúc kết quan trọng của các chuyên gia tâm lý: sở dĩ vấn nạn tự tử trong lứa tuổi vị thành niên là do giới trẻ rất thiếu kỹ năng sống, chưa có lối sống tích cực và ngay cả các bậc phụ huynh cũng thiếu kỹ năng về cách làm cha, làm mẹ.
Trước những ý kiến trên, có thể thấy rằng, việc phòng ngừa, ngăn chặn tự tử hơn bao giờ hết cần được triển khai một cách chuyên nghiệp từ hệ thống phòng chống cho đến việc tổ chức các chương trình hoạt động trong lĩnh vực phòng chống tự tử một cách bài bản.