Quy trình trữ lạnh, rã đông và chuyển phôi
Quy trình trữ lạnh phôi
1. Đại cương
Trữ lạnh phôi là kỹ thuật trong đó phôi được đông lạnh và lưu giữ trong môi trường bảo quản lạnh. Khi người phụ nữ sẵn sàng để mang thai, phôi sẽ được rã đông và chuyển vào buồng tử cung.
2. Chỉ định
a) Các trường hợp có phôi dư thừa sau khi chuyển phôi;
b) Các trường hợp nguy cơ quá kích buồng trứng hoặc bị quá kích buồng trứng;
c) Các trường hợp cho nhận noãn mà chưa chuẩn bị tốt niêm mạc tử cung;
d) Các trường hợp niêm mạc tử cung không thuận lợi.
3. Chống chỉ định
Không có chống chỉ định nhưng các phôi chất lượng xấu thường không đông phôi vì tỷ lệ thoái hoá sau rã đông các phôi này thường cao.
4. Chuẩn bị
a) Chuẩn bị phôi trữ lạnh;
b) Chuẩn bị phương tiện dụng cụ: cọng trữ phôi, bình trữ phôi, pipet, bơm tiêm, kính hiển vi soi nổi;
c) Chuẩn bị vật tư tiêu hao: đĩa petri, hộp xốp đựng ni tơ lỏng, ni tơ lỏng, các loại môi trường sử dụng trong đông phôi.
5. Quy trình
Có nhiều phương pháp trữ lạnh phôi khác nhau nhưng trữ lạnh bằng phương pháp thủy tinh hóa có nhiều ưu điểm và hiện tại hầu hết các trung tâm hỗ trợ sinh sản đều áp dụng phương pháp này.
Đánh giá chất lượng phôi, ghi lại tất cả các thông số trước khi tiến hành trữ lạnh phôi.
a) Chuẩn bị
– Môi trường thuỷ tinh hoá VS (Vitrification Solution), môi trường cân bằng ES (Equilibration Solution) ở nhiệt độ phòng 250C – 270C;
– Cọng trữ phôi (Cryotop) đã được ghi tên, tuổi người bệnh, ngày, tháng, năm đông phôi;
– Hộp xốp có chứa nitơ lỏng;
– Đánh giá chất lượng phôi trước đông;
– Chuẩn bị đĩa: 300 µl ES vào ô thứ nhất của đĩa 4 giếng, 300 µl VS vào ô thứ 2.
b) Trữ lạnh phôi:
– Cân bằng: dùng pipet hút phôi từ môi trường nuôi cấy đặt lên trên giọt môi trường ES trong vòng 15 phút, quan sát dưới kính hiển vi soi nổi xem kích thước phôi trở về như ban đầu chưa;
– Thuỷ tinh hoá: dùng pipet pasteur chuyển phôi từ môi trường ES sang môi trường VS, hút lên hút xuống để thay đổi vị trí phôi, sau đó dùng pipet pasteur đặt phôi lên cọng trữ rồi hút bớt môi trường và nhúng cọng trữ vào nitơ lỏng. Quá trình này thực hiện trong vòng 30 giây, tối đa không quá 01 phút.
Quy trình rã đông phôi
1. Đại cương
Rã đông phôi là kỹ thuật trong đó phôi đã được đông lạnh và lưu giữ trong bình trữ sẽ được lấy ra để rã đông, sau đó chuyển vào buồng tử cung người nhận. Phôi được đông lạnh theo phương pháp nào thì sẽ được rã đông theo phương pháp đó.
2. Chỉ định
Các trường hợp chuyển phôi đông lạnh sau khi đã chuẩn bị niêm mạc tử cung đủ điều kiện.
3. Chuẩn bị
a) Chuẩn bị người bệnh: chuẩn bị niêm mạc tử cung cho người nhận phôi;
b) Chuẩn bị phương tiện dụng cụ: kính hiển vi, tủ cấy;
c) Chuẩn bị vật tư tiêu hao: đĩa petri, đĩa 4 giếng, pipet các loại môi trường dùng để rã đông phôi.
4. Quy trình
a) Chuẩn bị:
– Môi trường TS (Thawing Solution) trong đĩa petri cất vào tủ cấy 370C ít nhất 30 phút;
– Môi trường DS (Diluen Solution) vào ô thứ nhất của đĩa 4 giếng, môi trường WS1 (Washing Solution) vào ô thứ 2 và WS2 vào ô thứ 3, ghi tên người bệnh lên đĩa rã đông, các loại môi trường lên các ô trên đĩa.
b) Rã đông:
– Kiểm tra tên người bệnh, số hồ sơ, ngày lưu giữ ghi trên cọng trữ;
– Lấy đĩa Petri có môi trường TS đã được chuẩn bị cho lên kính soi nổi, cọng trữ phôi hoặc noãn sau khi đưa ra khỏi nitơ được nhúng ngay vào môi trường TS 01 phút;
– Chuyển phôi sang ô chứa môi trường DS 03 phút;
– Chuyển phôi sang môi trường WS1 05 phút;
– Chuyển phôi sang môi trường WS2 rửa lại;
– Chuyển phôi vào đĩa môi trường nuôi cấy IVF đã chuẩn bị sẵn, đặt trong tủ cấy CO2, nhiệt độ 370C, đánh giá chất lượng phôi sau rã đông.
c) Có thể chuyển phôi từ 02 đến 03 giờ sau khi rã đông phôi hoặc nuôi cấy phôi qua đêm và chuyển phôi vào ngày hôm sau.
Quy trình chuyển phôi đông lạnh (FET)
1. Đại cương
Chuyển phôi đông lạnh là kỹ thuật trong đó một hoặc nhiều phôi đông lạnh rã đông được chuyển vào buồng tử cung của người nhận đã được chuẩn bị niêm mạc tử cung.
2. Chỉ định
Các trường hợp có phôi đông lạnh.
3. Chống chỉ định
Không có chống chỉ định, tuy nhiên có thể huỷ chu kỳ chuyển phôi nếu niêm mạc tử cung chưa được chuẩn bị tốt.
4. Chuẩn bị
a) Chuẩn bị người bệnh: chuẩn bị niêm mạc tử cung;
b) Chuẩn bị phương tiện, dụng cụ và vật tư tiêu hao: thực hiện theo quy định tại Điểm b, c Khoản 4 Điều 13 Thông tư này.
5. Quy trình
a) Xét nghiệm nội tiết và một số xét nghiệm khác cần thiết đầu chu kỳ kinh;
b) Siêu âm đánh giá tử cung và hai buồng trứng;
c) Chuẩn bị niêm mạc tử cung bằng estrogen vào đầu chu kỳ kinh;
d) Theo dõi sự phát triển niêm mạc tử cung bằng siêu âm;
đ) Khi đủ điều kiện để chuyển phôi sẽ bắt đầu dùng thêm progesteron từ 48 đến 72 giờ trước khi chuyển phôi;
e) Thông báo cho bác sỹ mô phôi rã đông vào ngày hôm sau;
g) Rã đông phôi, tùy theo phương pháp đông phôi để lựa chọn phương pháp rã đông;
h) Nuôi cấy phôi sau rã đông trong môi trường nuôi cấy và tủ cấy;
i) Đánh giá sự phát triển của phôi, chất lượng phôi trước chuyển;
k) Chuyển phôi đông lạnh sau 03 giờ hoặc ngày hôm sau;
l) Chuyển phôi dưới hướng dẫn siêu âm;
m) Tiếp tục dùng estrogen và progesteron liều tương tự trước khi chuyển phôi;
n) Định lượng βhCG 14 ngày sau chuyển phôi;
o) Siêu âm 28 ngày sau chuyển phôi nếu có thai sinh hóa;
p) Nếu có thai, tiếp tục dùng estrogen và progesteron đến hết 12 tuần.
Benh.vn (Theo TT số 12/2012/TT-BYT ngày 15/07/2012)