Trên thị trường hiện nhiều loại thực phẩm chức năng bổ sung nội tiết tố nữ được quảng cáo rầm rộ giúp thay đổi ngoại hình và tâm sinh lý cho “quý bà”. Giữa “trận đồ bát quái” này, nhiều người không biết chọn lựa sản phẩm nào và hiệu quả của những thực phẩm chức năng này thực sự ra sao, trong khi giá sản phẩm bán khá cao và phải uống liên tục kéo dài mới thấy tác dụng.
Mục lục
Những băn khoăn, thắc mắc của người tiêu dùng
Bà L.H.V. (55 tuổi, Q.1, TP.HCM) cho biết bà mãn kinh cách đây bốn năm. Từ khi mãn kinh, bà thường cảm thấy người hay bực bội, cáu gắt và thường xuyên có những cơn nóng bừng mặt bốc hỏa rất khó chịu.
Mỗi khi bị “bốc hỏa”, bà phải uống ngay một ly nước lạnh và mở quạt vù vù mới thấy bớt ngột ngạt, nóng bức. Đêm bà rất khó ngủ, khi ngủ hay thức giấc và khó ngủ lại. Da mặt bà ngày càng sạm, nám nhiều hơn, chân tay nhức mỏi và xuất hiện nhiều đốm đồi mồi trên da.
Không những thế, “chuyện vợ chồng” bà cũng không còn tha thiết nữa. Được bạn bè giới thiệu, bà ra nhà thuốc hỏi mua thực phẩm chức năng bổ sung nội tiết tố và người bán giới thiệu với bà hàng chục loại, từ sản xuất trong nước đến nhập khẩu từ nước ngoài.
Càng nghe người bán giới thiệu bà càng băn khoăn, bối rối vì không biết chọn loại nào. Cuối cùng bà quyết định nghe theo tư vấn của người bán và đã mua một hộp thực phẩm chức năng dành cho người trên 50 tuổi với giá gần 200.000 đồng vì thấy nhà sản xuất giới thiệu là “dạng estrogen tự nhiên, tác dụng nhanh, trả lại tuổi thanh xuân, tăng cảm xúc vợ chồng và không gây các tác dụng phụ cho cơ thể…”. Đó chỉ là một trong nhiều loại thực phẩm chức năng bổ sung nội tiết tố nữ đang rao bán trên thị trường.
Giá các sản phẩm này nhiều mức, có loại 100.000 – 200.000 đồng nhưng cũng có loại 600.000 – 700.000 đồng/hộp, tùy theo số viên và thành phần sản phẩm.
Hầu như sản phẩm nào cũng quảng cáo có nguồn gốc, thành phần từ thiên nhiên, làm bằng thảo dược, như tinh chất mầm đậu nành, tinh chất nhau thai cừu, chiết xuất từ củ mài đắng, chiết xuất từ cây hoa bia, thảo dược, lô hội, dầu gấc, collagen và một số loại đông dược như đông trùng, nhân sâm, linh chi, xuyên khung, bạch thược, thục địa, đương quy, quy râu, ngưu tất, ích mẫu…
Công dụng của những loại thực phẩm chức năng được quảng cáo rất hấp dẫn, như có loại được giới thiệu có thành phần chính là isoflavon “tiền hormone estrogen, giúp tạo nên hình thể đặc trưng của nữ giới: ngực nở, eo thon, mông cong, giúp da dẻ mịn màng, đóng vai trò quan trọng trong sinh lý nữ…”.
Bổ xung thiếu hụt nội tiết tố
Theo chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM – GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng: khi vào tuổi mãn kinh, phụ nữ dễ bị thiếu hụt estrogen do không còn nang noãn phát triển và không có hiện tượng phóng noãn (rụng trứng).
Khi estrogen giảm, kéo theo testosterone giảm và không có progesterone. Cơ thể thiếu hụt estrogen gây một số triệu chứng cơ năng của mãn kinh và làm gia tăng nguy cơ các bệnh lý như loãng xương, huyết khối, Azheimer ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh.
Các triệu chứng cơ năng của mãn kinh thay đổi theo từng giai đoạn và có ba nhóm triệu chứng chính: triệu chứng vận mạch (bốc hỏa, đổ mồ hôi, hồi hộp), triệu chứng tâm – thần kinh (thay đổi tính tình, dễ cáu gắt, mất ngủ), triệu chứng ở mô đích (teo niêm mạc tiết niệu sinh dục, thay đổi môi trường âm đạo, niêm mạc âm đạo teo mỏng, khô…).
Gs Bác sĩ Ngọc Phượng cho biết liệu pháp hormone thay thế đã được các nhà chuyên môn công nhận là liệu pháp điều trị tốt các triệu chứng cơ năng mãn kinh, giúp bảo vệ tim mạch, giảm tỉ lệ gãy xương do giảm loãng xương, giảm và làm chậm xuất hiện bệnh Alzheimer…
Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng liệu pháp hormone thay thế, cần được sử dụng cho phụ nữ dưới 60 tuổi, mãn kinh dưới 10 năm.
Quảng cáo “đến tận mây xanh”
Phần lớn thực phẩm chức năng đang bày bán trên thị trường được quảng cáo rất hấp dẫn và giá cả đa dạng. Thực phẩm chức năng A được giới thiệu sử dụng cho nữ giới từ 18 tuổi trở lên, có công dụng “tăng cường sinh lý nữ, cải thiện các triệu chứng: khó đạt khoái cảm; cải thiện các triệu chứng khó chịu thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh: bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, cáu gắt, mất ngủ, trầm cảm, đau nhức cơ xương khớp…”.
Giá bán của sản phẩm này được một nhà thuốc cho biết là 620.000 đồng/hộp 60 viên. Nhà sản xuất cũng khuyến cáo “nên dùng thường xuyên”.
Thực phẩm chức năng B có hai loại: loại dành cho người trẻ bán 125.000 đồng/hộp 30 viên, loại dành cho người 50 tuổi trở lên 155.000 đồng/hộp 30 viên. Sản phẩm này được giới thiệu giúp cải thiện các triệu chứng do thiếu hụt nội tiết tố nữ estrogen là rối loạn kinh nguyệt, xuống sắc, bốc hỏa, giảm trí nhớ, loãng xương, tích mỡ bụng…
Những ai cần sử dụng thuốc nội tiết tố bổ sung?
Về các loại thực phẩm chức năng được giới thiệu có bổ sung estrogen thiên nhiên và một số thành phần khác có công dụng hỗ trợ sinh lý nữ, đẹp da… Gs Bác sĩ Ngọc Phượng khẳng định: đến nay chưa có đủ số liệu nghiên cứu xác minh estrogen thiên nhiên và các loại vitamin, thảo dược khác giúp phụ nữ tuổi mãn kinh tránh khỏi các triệu chứng cơ năng và dự phòng các bệnh lý nói trên.
Còn về thuốc bổ sung nội tiết tố, theo bác sĩ Phượng, chỉ 35 – 50% phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh là có triệu chứng bốc nóng mặt, vã mồ hôi, mất ngủ, bứt rứt khó chịu mới cần điều trị. Tập thể dục, đi bộ, bơi lội và tập yoga đều có thể giúp phụ nữ vượt qua giai đoạn mãn kinh một cách êm ái mà không cần sử dụng thuốc.
Tuy nhiên, với các chị mãn kinh sớm (trước 40 tuổi) cần sử dụng thuốc nội tiết vì mãn kinh sớm đưa đến nguy cơ cao bị bệnh tim mạch, loãng xương.
Bác sĩ Ngọc Phượng khuyến cáo khi mới bắt đầu sử dụng thuốc nội tiết, các chị cần đi khám chuyên khoa để loại trừ các bệnh lý tim mạch, ung thư, xét nghiệm máu để chọn lựa loại nội tiết phù hợp nhất với cơ thể. Bởi sử dụng nội tiết đúng cách sẽ không làm tăng ung thư vú hoặc ung thư tử cung.
Nếu còn tử cung thì phải sử dụng progestogen kèm theo estrogen để tránh bị ung thư nội mạc tử cung. Cần lưu ý sử dụng nội tiết có thể làm tăng huyết khối tĩnh mạch nên các bác sĩ sẽ cho xét nghiệm máu, siêu âm để loại trừ huyết khối tĩnh mạch rồi mới cho sử dụng nội tiết và sẽ theo dõi chặt sau đó.