Máy tạo nhịp tim nhân tạo lần đầu tiên được ứng dụng vào năm 1958. Đến nay, khoa học đã tiến gần đến việc ứng dụng liệu pháp gen để khắc phục những điểm hạn chế của việc cấy máy.
Thí nghiệm được tiến hành như thế nào
Các nhà khoa học đã tiêm gen vào trái tim khiếm khuyết của heo để chuyển đổi một số tế bào tim không chuyên thành máy tạo nhịp tim sinh học.
Các cộng sự dưới sự lãnh đạo của tiến sĩ Eduardo Marban, tại viện tim Cedars-Sinai ở Los Angeles (Mỹ) đã miệt mài nghiên cứu hàng chục năm qua và đến nay đã cho những kết quả khả quan.
Những con heo được lựa chọn cho thí nghiệm có trái tim bị bệnh, nhịp đập yếu ớt và dễ bị đột tử. Chúng đã được tiêm gen TBX18 vào trái tim với thủ tục ít xâm lấn nhất.
Tạp chí Gizmag dẫn lời đại diện của Viện tim Cedars-Sinai giải thích rằng cách này sẽ giúp chuyển một số tế bào tim không chuyên thành các tế bào nút sinuatrial. Những nút sinuatrial này bao gồm các mô khởi phát các xung điện thiết lập nhịp đều đặn cho trái tim, đó chính là điều cơ bản mà máy tạo nhịp tim nhân tạo đang phát huy tác dụng hiện nay.
Kết quả thu được
Một ngày sau khi tiếp nhận liệu pháp gen, các chú heo tham gia thử nghiệm đã có nhịp đập nhanh hơn so với nhóm đối chứng. Nhịp tim đều đặn, mạnh mẽ kéo dài trong suốt 14 ngày nghiên cứu, cho thấy đó có thể là một liệu pháp điều trị tốt và sẽ lâu dài hơn so với những thử nghiệm đầu tiên.
Thoạt đầu của liệu pháp này là tiến sĩ Marban và các cộng sự nghĩ cách làm thế nào để giải quyết vấn đề cho các bệnh nhân gặp rắc rối cho việc cấy ghép máy tạo nhịp tim nhân tạo. Rồi qua nhiều nghiên cứu với nhiều phương cách khác nhau, họ tin rằng đã tìm được cách điều trị sinh học lâu dài cho bệnh nhân. Phương pháp này còn có thể áp dụng cho trẻ đang còn là bào thai trong bụng mẹ, rõ ràng là quá bé để có thể nhận được máy cấy ghép cơ khí.
Bài báo về nghiên cứu liệu pháp gen này đã được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine. Những nghiên cứu lâm sàng trên con người có thể bắt đầu tiến hành trong vòng ba năm tới.
Benh.vn (Theo TNO)