Bệnh nào cũng có đặc trưng riêng, gây đau đớn, khổ sở hành hạ người bệnh. Đặc biệt với bệnh nhân suy tim thường khó thở, mệt mỏi, ăn ngủ không yên …gây ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống. Bởi vậy, việc áp dụng những thực đơn ăn uống khoa học sẽ giúp họ đỡ mệt mỏi, qua đó kéo dài thời gian sống.
Mục lục
Tìm hiểu về bệnh suy tim, các cấp độ suy tim
Suy tim xảy ra khi cơ tim không còn đủ sức để đảm bảo nhu cầu của cơ thể về ôxy ngoại biên. Suy tim là biến chứng cuối cùng của tất cả các bệnh về tim, động mạch và các bệnh toàn thân. Do tình trạng của từng bệnh mà tim có thể suy một bên trước rồi dẫn đến suy tim toàn bộ hoặc suy tim toàn bộ ngay từ đầu.
Khi suy tim nặng bệnh nhân rất khó thở, gan to có khi có cổ trướng, tràn dịch màng phổi, có thể còn khả năng hồi phục hoặc không còn khả năng hồi phục nếu vào giai đoạn cuối. Căn cứ vào mức độ khó thở, xảy ra khi gắng sức ít hay nhiều, các nhà chuyên khoa chia ra 4 độ suy tim:
Suy tim độ I
Người bệnh chưa thấy triệu chứng gì của suy tim dù lúc nghỉ ngơi hay khi gắng sức, sinh hoạt hàng ngày vẫn bình thường. Có thể coi là suy tim tiềm tàng.
Suy tim độ II
Sinh hoạt hàng ngày bị ảnh hưởng nhẹ, nghỉ ngơi thì không có triệu chứng gì, nhưng hoạt động thường nhật đã thấy khó thở. Có thể gọi là suy tim nhẹ.
Suy tim độ III
Sinh hoạt bị ảnh hưởng mức độ trung bình, nghĩa là nghỉ ngơi vẫn không có triệu chứng gì, nhưng chỉ hoạt động nhẹ hơn thường nhật đã thấy khó thở rồi. Ðây là suy tim trung bình.
Suy tim độ IV
Sinh hoạt bị ảnh hưởng nhiều, cả khi nghỉ ngơi cũng thấy khó thở, chỉ làm được những việc nhẹ. Suy tim thể này được coi là nặng.
Thực đơn cho bệnh nhân bị suy tim nặng
Ăn nhạt
Ăn nhạt hoàn toàn: lượng muối từ: 0,2g – 0,5g/ngày.
Năng lượng cần cung cấp
Năng lượng nhỏ hơn 1.500 Kcalo/ngày; Protein: 0,8 g/kg/ngày và protein làm tăng chuyển hoá cơ bản làm tăng lưu lượng máu. Nên dùng protein từ sữa, cá; gluxit: dùng loại đường đơn dễ hấp thu (hoa quả, mật); chất béo, không cho thêm vào khi chế biến thức ăn.
Ăn nhiều rau quả
Rau quả nên dùng nhiều để tạo môi trường kiềm chống lại tình trạng toan của cơ thể. Nguyên nhân do rau quả chứa nhiều kali nên có tác dụng lợi tiểu, rất tốt cho bệnh nhân suy tim.
Tránh đồ ăn lên men
Bệnh nhân suy tim lưu ý tránh dùng các thức ăn sinh hơi, các loại thức ăn lên men: trứng, đậu đỗ. Không dùng các loại thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối: dưa cà, mắm tôm, bánh mì, thịt hun khói, patê, xúc xích, lạp xường; hạn chế các chất kích thích như cà phê, trà…
Chế độ ăn tốt nhất
Chế độ ăn tốt nhất cho bệnh nhân suy tim nặng là sữa, rau quả, khoai sẽ thoả mãn được các nguyên tắc trên vì chứa ít muối lại có nhiều kali, kiềm chống được tình trạng toan và có ít protein, nhiều đường giúp cho chuyển hoá tốt, ít năng lượng để cho bộ máy tiêu hoá được nghỉ ngơi.
Đối với chế độ ăn cho bệnh nhân suy tim độ 3 lưu ý sử dụng ít muối, sữa hỗn hợp, sữa đậu nành… Các món mặn phù hợp là cháo cá, phở thịt nạc, các loại rau củ quả. Chế độ ăn cho bệnh nhân suy tim độ 4 ngoài sữa, thực phẩm trên là ngũ cốc, trứng, thịt. Trong đó, dùng chế độ Karen gồm có sữa, nước quả, glucoza trong những ngày đầu sau đó thêm ngũ cốc, trứng, thịt…
Benh.vn (Tổng hợp)