Số người bị bệnh đái tháo đường ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa một cách rõ ràng trong những năm gần đây. Việc điều trị bệnh này đã trở thành gánh nặng cho xã hội và gia đình, đặc biệt ở những bệnh nhân có biến chứng.
Mục lục
Các thuốc điều trị bệnh đái tháo đường ngày càng nhiều và kèm theo đó là sự thiếu thông tin về tác dụng lâu dài cũng như khả năng gây các tác dụng phụ ngắn và dài hạn của chúng. Bài viết sau sẽ giúp bạn đọc bổ sung sự thiếu hụt này.
1. Nhóm thuốc sulfonylureas
Nhóm thuốc này được đưa vào sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường týp 2 cách đây hơn 50 năm. Thế hệ thứ nhất của nhóm thuốc này là chlorpropamide, tolbutamide đã bị loại bỏ vì chúng có thể gây hạ đường huyết kéo dài ở người bệnh. Thế hệ thứ 2 gồm các thuốc glibenclamide (glyburide), glimepirimide, gliclazide có nguy cơ gây hạ đường huyết thấp hơn. Những yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ gây hạ đường huyết khi sử dụng nhóm thuốc này là: giảm bớt lượng đường trong khẩu phần ăn, sử dụng đồ uống có cồn như rượu, có bệnh gan mạn tính kèm theo, bệnh nhân đang sử dụng thuốc điều trị bệnh suy tim (aspirin, thuốc lợi tiểu nhóm thiazide, warfarin…).
Ở các nước châu Âu, theo quy định gliclazide là thuốc duy nhất được sử dụng khi bệnh nhân có chỉ số lọc máu của cầu thận từ 40-60ml/phút. Một khi chỉ số lọc của của cầu thận giảm xuống dưới 40ml/phút, các thuốc nhóm sulfoylurea cần được ngừng sử dụng.
Thuốc trị đái tháo đường và những bất lợi khi sử dụng 1
Cần cảnh giác với những tác dụng không mong muốn do thuốc trị đái tháo đường.
2. Nhóm thuốc glinides
Các thuốc thuộc nhóm này như repaglinide và nateglinide có tác dụng nhanh và ngắn hạn. Khả năng gây hạ đường huyết của nhóm thuốc này thấp hơn nhóm sulfonylureas nhưng sự tích lũy của các thuốc này khi bệnh nhân bị giảm chức năng thận tăng lên, vì vậy, việc sử dụng chúng cũng cần được cân nhắc và theo dõi chặt chẽ để không gây biến chứng hạ đường huyết.
3. Nhóm thuốc metformin (glucophage)
Thuốc này đã được sử dụng trên 50 năm nay để điều trị bệnh nhân đái tháo đường týp 2 và được coi là an toàn nhất vì ít gây biến chứng hạ đường huyết. Tác dụng chính của thuốc là kìm hãm sự tổng hợp glucose ở gan và tăng cường sự nhạy cảm của tế bào với insulin trong việc chuyển hóa đường. Thuốc được đào thải nguyên vẹn qua thận, bởi vậy khả năng gây phản ứng phụ của nó cũng tăng lên ở những bệnh nhân bị giảm chức năng thận.
Trong các trường hợp này, toan hóa máu do axit lactic có thể xảy ra. Đây là một biến chứng rất nặng có thể gây tử vong cho hơn 40% trường hợp. Những tình huống sau có thể làm tăng tỷ lệ biến chứng toan hóa máu do axit lactic: bệnh nhân suy tim, bệnh nhân có bệnh gan, người cao tuổi, sử dụng bia rượu, sử dụng các chất cản quang.
Trong thực tế lâm sàng, bác sĩ vẫn thường gặp phải các trường hợp bệnh nhân (đặc biệt là người cao tuổi) khi dùng metformin có biểu hiện mất nước kéo theo suy thận cấp và toan hóa máu do axit lactic. Ngộ độc cấp do dùng quá liều metformin có thể dẫn tới toan hóa nặng và tử vong ngay cả ở người khỏe mạnh. Metformin chống chỉ định trong trường hợp bệnh nhân có chức năng lọc của cầu thận giảm xuống mức dưới 45ml/phút và ở những bệnh nhân có biểu hiện: nôn, tiêu chảy và khi bệnh nhân phải làm các xét nghiệm có sử dụng chất cản quang có nguồn gốc iod.
4. Nhóm thuốc kháng glitazones
Nhóm thuốc có khả năng tăng nhạy cảm của các cảm thụ quan với insulin này được đưa vào sử dụng cách đây hơn 10 năm. Ở Mỹ, các chiến dịch truyền thông lăng xê loại thuốc này cho bác sĩ và bệnh nhân đã làm tăng vọt các chỉ định và số bệnh nhân dùng thuốc nhóm này để điều trị bệnh đái tháo đường. Chỉ sau một thời gian ngắn kể từ khi được đưa vào sử dụng, các báo cáo đã cho thấy hậu quả phụ nghiêm trọng như: tích nước gây phù nề, suy tim chức năng, gây suy giảm chức năng thận và thật đáng ngạc nhiên là: giảm đáp ứng với insulin.
Nguy cơ xảy ra biến chứng của hai loại thuốc nhóm này là rosiglitazone và pioglitazone có thể lên tới 15% ở nhóm bệnh nhân dùng thuốc. Hậu quả gây suy tim và tử vong cao cho bệnh nhân đã dẫn tới việc chúng bị cấm lưu hành ở Mỹ từ năm 2010. Những nghiên cứu tiếp theo còn cho thấy, nhóm thuốc này có thể làm gia tăng tỷ lệ loãng xương và ung bàng quan cho bệnh nhân.
5. Nhóm thuốc kháng GLP-1-Exenatide
Byetta là một trong những thuốc thuộc nhóm này. Đây là thuốc mới được chỉ định tiêm dưới da có khả năng giảm được mức glucose của hemoglobin (HbA1C) khoảng từ 0,7-1,5%. Thuốc cũng được bài tiết qua đường tiết niệu và ở những người bị suy thận, khả năng đào thải của thuốc có thể giảm 84%, bởi vậy thuốc cũng bị chống chỉ định cho những bệnh nhân này.
Cảm thụ quan GLP-1 là điểm tác động của byetta cũng có trên ống thận. Vì vậy, thuốc này có tác dụng lợi tiểu. Khi dùng byetta, cũng cần lưu ý đến tác dụng có hại cho thận, đặc biệt ở bệnh nhân đang dùng thuốc chống men chuyển hóa và các thuốc lợi tiểu khác. Ngoài ra, những thuốc kháng GLP-1 còn có thể gây hậu quả phụ ở đường tiêu hóa như: nôn, đau do co thắt và thoái hóa thần kinh.
6. Nhóm thuốc kháng DPP4
Các thuốc này gồm sitagliptin, vildagliptin… đều được đào thải phần lớn qua đường tiết niệu. Khả năng bị tích tụ khi chức năng lọc máu của thận giảm ở bệnh nhân dùng nhóm thuốc này là rất cao. Theo các chuyên gia, khi người bệnh có đái tháo creatinine chứng tỏ khả năng lọc máu của cầu thận dưới 50ml/phút thì bác sĩ cần điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp. Khi bệnh nhân đã bị suy thận nặng, các thuốc trong nhóm này cũng nên ngừng sử dụng.
Để giảm bớt các tai biến của bệnh đái tháo đường cũng như tác dụng không mong muốn do thuốc điều trị gây ra, chúng ta cần có một chiến lược phòng và điều trị toàn diện hơn, lấy điểm nhấn là việc thay đổi chế độ sinh hoạt dinh dưỡng, kết hợp các sản phẩm có nguồn gốc dinh dưỡng và từ thiên nhiên để hạn chế sự lệ thuộc vào các thuốc hóa dược.
TS. BS. Hoàng Xuân Ba