TRIỆU CHỨNG
Nứt kẽ hậu môn gặp ở cả nam và nữ, thường nam nhiều hơn nữ. Về vị trí, có sự khác nhau giữa nam và nữ. Khoảng tuổi hay mắc bệnh là từ 30-50.
Triệu chứng khác nhau tùy theo thể bệnh:
Đau ở hậu môn
– Ở giai đoạn cấp tính
- Đau khi đại tiện, lúc phân đi qua hậu môn, nhất là khi phân cứng.
- Đau rất nhiều, đau làm cho nhiều bệnh nhân không dám ăn sợ ăn nhiều phải đại tiện nhiều.
Cơn đau do nứt kẽ hậu môn điển hình có ba giai đoạn:
- Đau khi phân đi qua thương tổn.
- Hết đau 10-15 phút.
- Đau trở lại và kéo dài nhiều giờ rồi tự nhiên hết đau. Cường độ đau và tính chất đau đặc hiệu này giúp rất nhiều cho chuẩn đoán. Ngoài cơn đau, người bệnh hoàn toàn bình thường.
– Ở giai đoạn mãn tính
Cơn đau giảm nhẹ vì hiện tượng co thắt mất dần và thay vào đó là hiện tượng tăng trương lực cơ.
Khám hậu môn
– Ở giai đoạn cấp tính
- Khi nhìn, thấy da chung quanh hậu môn co dúm lại. Khi sờ, cảm thấy được một vòng xơ cứng. Da co dúm và vòng xơ cứng là do cơ thắt hậu môn co thắt mạnh và tăng trương lực.
- Khi bệnh nhân rặn, các nếp nhăn ở da mất đi và có thẻ thấy chỗ loét nông hình vợt, bờ rõ, đáy màu đỏ có vài sợi dây chằng liên cơ thắt hay vài thớ cơ vòng của cơ thắt trong.
– Ở giai đoạn mãn tính
- Thương tổn có nhiều thay đổi. Ổ loét sâu hơn, bờ nổi cao hơn, ở đáy ổ loét có các thớ của cơ thắt trong, ở đầu ngoài ổ loét có một búi trĩ đi kèm, ở đầu trong có thể có một cục u nhú, u nhú này có khi khá to.
- Khi có nhiễm trùng, ổ loét được bao phủ bởi một lớp mủ đặc. Có thể đã tạo lên một đường rò mà lỗ ngoài nằm núp sau mảng da thừa.
- Không nên thăm hậu môn trực tràng bằng ngón tay vì thăm sẽ làm bệnh nhân rất đau, không chịu nổi. Bệnh nhân luôn luôn từ chối không cho thầy thuốc thăm khám hậu môn trực tràng.
CHẨN ĐOÁN
Chẩn đoán Nứt hậu kẽ hậu môn không khó, căn cứ vào tính chất đau đặc hiệu, căn cứ vào quan sát thương tổn.
Nội soi trực tràng bằng ống mềm hoặc ống cứng là phương pháp chẩn đoán xác định và phân biệt bệnh nứt kẽ hậu môn tốt nhất.
Cần phân biệt với các loét ở vùng rìa hậu môn do những nguyên nhân được xác định rõ ràng:
- Trầy xước: Chỉ là vết loét nông, bờ dẹt, có thể ở bất kỳ vị trí nào quanh hậu môn. Các vết trầy xước chỉ tồn tại trong thời điểm nhất định. Hậu môn có hoặc không có búi trĩ đi kèm, chỉ cần điều trị bằng phương pháp nội khoa.
- Lao: Thương tổn lao có thể ở một nơi, có thể ở nhiều nơi. Phải đi tìm thương tổn lao ở các nơi khác vì ít khi có lao nguyên phát ở vùng hậu môn. Cần khám toàn thân kỹ lưỡng, chụp Xquang phổi, xét nghiệm đờm, làm phản ứng nội bì với tuberculin, tốc độ máu lắng. Cần làm xét nghiệm mô học thương tổn để xác định.
- Bệnh Crohn: Thương tổn loét của bệnh Crohn có ở bất cứ điểm nào của vòng hậu môn, thường có ở nhiều nơi, bờ thương tổn loét rỉ nước, mô của thương tổn bong ra, phù nề. Chuẩn đoán dựa trên lâm sàng và tren xét nghiệm giải phẫu bệnh. Khoảng chừng 15% số bệnh nhân Crohn bắt đầu bằng các thương tổn ở vùng hậu môn.
- Ung thư hậu môn thể loét: Thương tổn loét chỉ có một nơi, lồi lên, thâm nhiễm, chảy nước. Lúc đầu vì triệu chứng không rõ rệt nên dễ lẫn lộn. Bệnh được chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm mô học.
- Giang mai: Giang mai đau ít, nứt hậu môn đau rất nhiều. Giang mai không có hiện tượng co thắt cơ. Thương tổn giang mai thường nằm ở phía bên, nứt hậu môn trong đa số trường hợp nằm ở phía sau. Giang mai thường có hạch bẹn đặc trưng. Cần làm huyết thanh chuẩn đoán.
- Các bệnh lây truyền qua đường sinh dục và các bệnh khác.
Xem thêm: Điều trị bệnh nứt kẽ hậu môn
Benh.vn