Mỗi năm Việt Nam có khoảng 126.000 ca mắc mới và 94.000 ca tử vong vì Ung thư. Mặc dù ung thư có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm nhưng đa phần bệnh nhân đến khám lại thường ở giai đoạn muộn. Khi đó hiệu quả điều trị thường thấp và để lại gánh nặng về kinh tế, thể xác cũng như tinh thần.
Mục lục
Do đó việc phòng ngừa ban đầu đối với căn bệnh này là biện pháp tích cực hơn việc chẩn đoán và điều trị. Có khoảng 50% các loại ung thư có thể phòng ngừa được nếu tuân thủ các biện pháp phòng tránh.
Thông thường sẽ có 3 bước dự phòng, trong đó quan trọng nhất là bước 1 và bước 2.
Bước 1. Phòng ngừa ban đầu
Cố gắng loại trừ hoặc giảm tối đa sự tiếp xúc với các chất gây ung thư để không xảy ra sự khởi phát bệnh ung thư như không hút thuốc, không uống rượu, bảo hộ lao động tốt khi tiếp xúc với chất phóng xạ. Đây cũng là bước phòng bệnh tích cực nhất.
Hút thuốc lá
Là nguyên nhân dẫn tới khoảng 21% tổng số ca tử vong do ung thư trên thế giới. Trong đó 90% ung thư phổi, 75% ung thư vùng khoang miệng (Ung thư miệng, thực quản, hạ họng thanh quản), 5% ung thư bàng quang… Nguy cơ gây ung thư tăng theo thời gian hút thuốc. Hút thuốc lá thụ động cũng là một yếu tố nguy cơ.
Dinh dưỡng không hợp lý
Yếu tố dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra căn bệnh này. Chúng ta cần tránh ăn nhiều mỡ, gia vị, các loại thức ăn bị mốc (vì thực phẩm mốc sản sinh độc tố aflatoxin gây ung thư). Đồng thời tránh uống nước hoặc ăn thức ăn quá nóng.
Uống nhiều rượu
Rượu là yếu tố tăng nguy cơ gây ung thư gan, khoang miệng, thực quản và phần trên thanh quản. Nếu vừa sử dụng thuốc lá vừa sử dụng rượu thì sẽ là mối nguy hiểm lớn gây ung thư vùng đầu – cổ.
Yếu tố về môi trường
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố môi trường có liên quan tới ung thư như:
- Các tia phóng xạ (bức xạ tia cực tím liên quan tới ung thư da và bức xạ ion hoá trong chụp X Quang, chụp cắt lớp vi tính có liên quan tới ung thư tuyến giáp, bệnh bạch cầu…)
- Không khí ô nhiễm (tăng nguy cơ ung thư phổi)
- Nước có nhiễm arsen (tăng nguy cơ ung thư bàng quang)…
Vì vậy cần hạn chế tiếp xúc với những môi trường này.
Béo phì
Người béo phì có nguy cơ mắc các loại ung thư cao hơn người bình thường. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới khoảng 20% các loại ung thư như ung thư thực quản, dạ dày, đại trực tràng, gan, buồng trứng, tụy…
Lối sống
Ít vận động cũng là nguyên nhân dẫn tới khoảng 5% các trường hợp tử vong vì ung thư. Do đó, luyện tập thường xuyên với mức độ phù hợp sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh.
Nhiễm trùng
Có khoảng 17% ca mới mắc ung thư trên toàn thế giới có liên quan tới nhiễm trùng. Một số virus được biết là nguyên nhân gây ung thư như virus viêm gan B, virus Epstein – Barr, virut HPV và virus gây bệnh bạch cầu dòng lympho T ở người (HTLV). Vì vậy để phòng nhiễm virus, hãy tiêm chủng vacxin.
Yếu tố di truyền
Tiền sử gia đình cũng được xem là yếu tố nguy cơ của một số loại ung thư như ung thư vú, ung thư đại-trực tràng, ung thư võng mạc, bệnh khô da nhiễm sắc tố…
Bước 2. Sàng lọc và phát hiện sớm
Sàng lọc và phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh, thậm chí những dấu hiệu của một tình trạng tiền ung thư. Nếu người bệnh phát hiện sớm thì khả năng điều trị khỏi bệnh là rất cao. Lúc này bạn cần đến cơ sở uy tín có chuyên khoa ung bướu để tầm soát ung thư định kỳ. Nên thực hiện việc tầm soát 6 tháng/lần.
Bước 3. Chống lại ung thư
Đây có thể coi là bước “chống” lại ung thư vì lúc này bạn đã phát hiện bệnh. Khi đó bạn sẽ được các bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị nhằm kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Một số khuyến cáo
- Tránh hút thuốc
- Duy trì cân nặng phù hợp
- Tập thể dục thường xuyên
- Có một chế độ ăn hợp lý như ăn nhiều trái cây, rau củ quả và hạn chế chất béo, thịt đỏ và thịt đóng hộp.
- Hạn chế uống rượu
- Phòng ngừa những bệnh lây truyền qua đường tình dục, tiêm phòng HPV ở những đối tượng phù hợp
- Tránh tiếp xúc với nguồn bức xạ quá mức
- Khám sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung và ung thư đại trực tràng định kỳ.
Benh.vn (Theo BV K)