Viêm gan mạn tính là tình trạng tế bào gan bị hủy hoại kéo dài trên 6 tháng, do nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân thường gặp nhất là viêm gan virus B mạn tính, viêm gan virus C mạn tính, bệnh gan do rượu và gan nhiễm mỡ. Viêm gan mạn tính rất phổ biến ở Việt Nam, tuy nhiên hầu hết các trường hợp không có biểu hiện rõ rệt. Bệnh thường âm thầm phát triển, dẫn đến biến chứng nguy hiểm như xơ gan và ung thư gan.
Mục lục
Cách tốt nhất để ngăn ngừa biến chứng là tầm soát sớm, từ đó có biện pháp điều trị và theo dõi thích hợp.
Dưới đây là những lý do cụ thể giải thích vì sao nên tầm soát sớm căn bệnh này.
Vì sao cần tầm soát bệnh gan mạn tính
Tỷ lệ mắc bệnh gan mạn tính ở người Việt Nam rất cao
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm viêm gan B cao nhất thế giới – khoảng 10 – 20% dân số. Bệnh lây từ mẹ sang con, do truyền máu hay dùng chung dụng cụ có thể dính máu (dao cạo râu, bàn chải đánh răng, dụng cụ xăm mình, kim chích…) và quan hệ tình dục không an toàn.
Trong khi đó, tỉ lệ mắc viêm gan C mạn tính dao động khoảng 2 – 5% dân số. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường máu. Do đó, thường gặp ở những người tiêm chích ma túy, chạy thận nhân tạo, truyền máu nhiều lần… Nguy cơ lây từ mẹ sang con hay quan hệ tình dục thấp hơn nhiều so với viêm gan B.
Bệnh gan do rượu là một trong những bệnh gan thường gặp nhất ở nước ta. Tỷ lệ nghiện rượu bia ở đàn ông Việt Nam cao hơn đáng kể so với các quốc gia khác.
Gan nhiễm mỡ không do rượu bia là tình trạng tích tụ mỡ trong tế bào gan, với tỷ lệ mắc bệnh khoảng 15 – 30% dân số và ngày càng trở nên phổ biến. Theo các nghiên cứu, 10 – 20% bệnh nhân gan nhiễm mỡ kèm men gan tăng có thể tiến triển thành xơ gan hay ung thư gan. Gan nhiễm mỡ thường liên quan đến tình trạng thừa cân, béo phì, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, ít vận động…
Diễn biến âm thầm và biến chứng nguy hiểm của bệnh gan mạn tính
Các triệu chứng của viêm gan B, C mạn tính, bệnh gan do rượu và gan nhiễm mỡ thường rất mờ nhạt. Chỉ một số ít bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, chán ăn hay đau nhẹ vùng gan. Bệnh nhân vẫn thường cho rằng mình khỏe mạnh và chủ quan không nghĩ mình có bệnh.
Tuy nhiên, sau nhiều năm tiến triển, tất cả các loại bệnh gan mạn tính đều có thể dẫn đến xơ gan hay ung thư gan. Các triệu chứng như vàng da, phù hay bụng chướng đều là những biểu hiện muộn, khi bệnh đã diễn biến thành xơ gan.
Phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh gan mạn tính
Cách tốt nhất để phát hiện sớm bệnh gan mạn tính là khám chuyên khoa gan mật để phát hiện các tình trạng tăng men gan, nhiễm viêm gan B và viêm gan C hay siêu âm bụng để xem có gan nhiễm mỡ hay không…
Nếu kết quả tầm soát cho thấy không có bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn biện pháp phòng ngừa. Đặc biệt, bác sĩ sẽ tư vấn có cần phải tiêm vaccine phòng viêm gan B hay không. Tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh lý này.
Nếu kết quả tầm soát cho thấy có bệnh viêm gan B hay viêm gan C mạn tính, ngoài tư vấn về biện pháp điều trị và cách theo dõi bệnh định kỳ, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh cách phòng ngừa lây nhiễm. Cách tốt nhất để phòng ngừa là người thân của bệnh nhân nên tầm soát bệnh viêm gan và chích ngừa viêm gan B nếu chưa có kháng thể bảo vệ.
Benh.vn (Theo BV Vinmec)