Ở thời điểm hiện tại, chưa có một nghiên cứu nào chính thức xác nhận rằng virus trong thịt bò có thể gây ung thư vú vì những phát hiện này còn rất mới và cần được nghiên cứu sâu hơn nữa.
Mục lục
Tuy nhiên nếu kết quả của những nghiên cứu chuyên sâu trong tương lai cho thấy virus trong thịt bò gây ung thư vú và tìm ra cách thức gây bệnh của virus thì nghiên cứu sẽ góp phần quan trọng trong việc kiểm soát ung thư vú vì hiện nay người ta mới chỉ chủ yếu tập trung vào điều trị bệnh hơn là phòng ngừa bệnh.
Tìm hiểu loại virus gây bệnh ung thư cho bò
Virus gây ung thư bạch cầu tế bào (BLV) là loại virus gây bệnh ung thư thường gặp ở các đàn bò trên khắp thế giới. Riêng ở Mỹ, tất cả các đàn bò sữa và 40% đàn bò thịt được xác định có nhiễm virus song, chỉ khoảng 5% trong số những con bò này có khả năng gây bệnh ung thư.
Virus này chủ yếu nhắm vào các tế bào máu nhưng chúng cũng có thể lây nhiễm sang các tế bào trong bầu vú, do đó, nó có thể được phát hiện trong sữa bò. Mặc dù quá trình thanh trùng làm cho các virus này trở nên vô hại, tuy nhiên các nhà khoa học lo ngại rằng khi tiếp xúc với các sản phẩm từ sữa có thể gây lây nhiễm virus ở người và một nghiên cứu được công bố vào năm 2014 đã chứng minh rằng virus này thật sự có thể lây truyền sang người.
Mối liên hệ giữa ung thư vú và virus BLV
Dựa trên một cuộc điều tra chọn lựa kháng thể chống BLV ở người, các nghiên cứu nói trên đã tìm thấy DNA của virus trong mô vú người. Phát hiện này thôi thúc các nhà khoa học phải tìm ra mối liên hệ giữa ung thư vú và virus BLV.
Mối liên hệ giữa ung thư vú và virus BLV đang được các nhà khoa học nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn, chặt chẽ hơn
Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học tại Đại học California, Mỹ đã phân tích mẫu mô vú từ 239 người hiến tặng và so sánh mô vú của những người đã mắc bệnh với những người không có tiền sử ung thư vú.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tờ PloS One cho thấy, 29% những người không mắc bệnh ung thư vú có DNA của virus BLV, trong khi tỷ lệ này cao hơn đáng kể ở người mắc bệnh ung thư – có đến 59% mô vú có chứa DNA virus.
Đặc biệt, các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng, khả năng mắc bệnh ung thư vú do nhiễm virus BLV cũng tương đương với khả năng mắc bệnh ung thư vú do những yếu tố đã được xác định trước đây do thói quen trong sinh hoạt như uống rượu, hút thuốc, do di truyền, tuổi tác và việc tiếp xúc với bức xạ liều cao.
Lời kết
Mặc dù đã xác định được mối liên hệ giữa bệnh ung thư vú và virus BLV, tuy nhiên các nhà khoa học cho biết vẫn cần phải nghiên cứu sâu hơn nữa để tìm ra đường lây truyền virus cũng như bằng chứng cụ thể chứng minh rằng virus BLV là nguyên nhân gây bệnh.
Vì vậy, cho tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa thể khẳng định rằng BLV có khả năng gây ung thư vú. Tuy nhiên, nếu những bằng chứng cần thiết được tìm ra thì đây sẽ là một bước tiến mới của ngành y học thế giới nhằm thiết kế các chiến lược phòng ngừa bệnh, bằng cách sàng lọc bệnh nhân hay chế tạo một loại vắc-xin mới có khả năng làm giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú.
Benh.vn (theo Iflscience)