Đuối nước là một tai nạn thường gặp, nếu xử lý đúng cách có thể cứu mạng nạn nhân. Sau đây benh.vn sẽ hướng dẫn mọi người cách xử lý đuối nước theo hướng dẫn của các chuyên gia tại BV TW.
Mục lục
1. Đại cương đuối nước
Đuối nước (ngạt nước) được định nghĩa là quá trình tổn thương đường hô hấp do phần mặt hoặc toàn bộ cơ thể bị ngập trong chất lỏng.
Như vậy, quá trình ngạt nước có thể xảy ra ở những trường hợp bệnh nhân bị ngã hoặc úp mặt vào chậu nước.
Cho đến nay, ngạt nước vẫn là một trong những tai nạn hay gặp, là nguyên nhân tử vong cao ở trẻ em tại cộng đồng.
Nhóm có tỷ lệ tử vong cao vì ngạt ngước thường là trẻ em, người già, người bị động kinh, đặc biệt là nam thanh niên thường liên quan đến lạm dụng rượu.
Ngạt nước hay gặp vào mùa hè, thường xảy ra ở các bể bơi, ao, hồ, sông ngòi, biển… Việc sơ cứu ban đầu đúng và kịp thời là hết sức quan trọng góp phần cứu sống bệnh nhân, giảm tỷ lệ biến chứng và di chứng.
2. Cơ chế bệnh sinh của đuối nước, ngạt nước
Khi mới chìm trong nước, theo phản xạ nạn nhân sẽ ngừng thởi, tim đập chậm lại do phản xạ. Tình trạng ngừng thở tiếp tục dẫn đến thiếu oxy trong máu làm cho tăng nhịp tim, tăng huyết áp. Tùy thuộc sức chịu đựng của bệnh nhân sau khoảng từ 20 giây đến 2 phút thì đạt đến ngưỡng và nhịp thở lại xuất hiện khiến cho nước bị hít vào phổi và bụng một lượng lớn gây co thắt thanh quản tức thì và xuất hiện cơn ngừng thở lần 2 kèm theo mất ý thức ngay. Sau đó các nhịp thở không còn chủ ý khiến cho nước và dị vật bị hít vào phổi. Hậu quả là nhịp tim chậm dần lại, rối loạn nhịp, ngừng tim và tử vong.
3. Điều trị đuối nước
Để điều trị đuối nước cần phải nắm được cách sơ cứu, điều trị cấp cứu tại chỗ trước khi nghĩ tới chuyển nạn nhân tới viện.
3.1 Khi cấp cứu nạn nhân trong nước
- Cần lưu ý nạn nhân ngạt nước khi chưa hôn mê thường hoảng loạn và bám chặt vào người cứu hộ nên có thể gây nguy hiểm cho người cứu.
- Khi đưa nạn nhân vào bờ cách tốt nhất là nắm tóc nạn nhân để kéo vào bờ.
3.2 Cấp cứu tại chỗ:
Cần được tiến hành ngay bởi mọi người chứng kiến mà không phải chờ đợi sự có mặt của nhân viên y tế.
Nhanh chóng đánh giá đường thở của nạn nhân, lấy tay móc dị vật trong miệng và cho nạn nhân nằm nghiêng một bên để dẫn lưu dịch ra khỏi đường thở.
Gọi ngay người hỗ trợ, kíp cấp cứu hoặc nhân viên cứu hộ.
Nếu nạn nhân có ngừng thở, ngừng tim cần hồi sức tim phổi nhanh chóng
- Đặt nạn nhân nằm ngửa.
- Kiểm tra đường thở và lấy bỏ đi dị vật trong miệng, họng
- Tiến hành hồi sức hô hấp miệng – miệng; lấy tay bịt mũi nạn nhân lại, hít một hơi thật sâu sau đó ngập kín miệng của nạn nhân thổi một hơi dài rồi buông ra để nạn nhân thở ra bình thường. Tiếp tục làm như vậy khoảng 2 lần.
- Ép tim ngoài lồng ngực: xác định 1/3 dưới xương ức, đặt 2 tay lên vị trí vừa xác định và ép liên tục khoảng 30 lần với tần số khoảng 100 lần/phút, ép sâu khoảng 3-5cm.
- Luân phiên thổi ngạt – ép tim như vậy với tỷ lệ 2 lần thổi ngạt và 30 lần ép tim đến khi có nhân viên y tế đến hỗ trợ và có các trang thiết bị thiết yếu.
- Sau khi cấp cứu, sơ cứu nạn nhân cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
3.3 Tại cơ sở y tế
- Nạn nhân sẽ được đưa vào đơn vị hồi sức để theo dõi và điều trị.
- Tùy thuộc mức độ suy hô hấp của nạn nhân mà có thể hỗ trợ bằng cách cho nạn nhân .., thở máy không xâm nhập hoặc đặt nội khí quản thở máy.
- Hồi sức tim mạch, hồi sức não nếu nạn nhân có ngừng tuần hoàn trước đó.
- Dùng thuốc kháng sinh nếu nạn nhân bị ngạt nước bẩn.
3.4 Lưu ý khi điều trị đuối nước
- Cần lưu ý các chấn thương có thể đi kèm như chấn thương cột sống cổ.
- Tiên lượng nạn nhân bị ngạt ngước thường rất nặng nề đặc biệt nếu nạn nhân có ngừng tuần hoàn trước đó. Tỷ lệ tử vong hoặc sống thực vật rất cao.
4. Cách phòng chống tai nạn đuối nước
- Học bơi và học các kỹ thuật cấp cứu ngạt nước cần thiết.
- Luôn luôn bơi với một người khác cũng biết bơi
- Chỉ bơi ở những vùng đã được quy định, có biển báo an toàn cho phép bơi lội và có nhân viên cứu hộ quan sát.
- Không uống rượu, bia trước khi bơi.
- Không nhảy xuống nước ngay sau khi hoạt động gắng sức và có nhiều mồ hôi.
- Trước khi xuống bơi cần khởi động kỹ tránh hiện tượng “chuột rút”
- Khi bơi ra xa bờ cần có thêm các dụng cụ cứu hộ như áo phao, phao bơi để đảm bảo an toàn.
- Trang bị đầy đủ các dụng cụ cứu hộ trên các phương tiên giao thông đường thủy.
Theo Cam nang TT BV Bach Mai