Ngày 10/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký quyết định số 1548/QĐ-BYT ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ngộ độc chì.
Theo hướng dẫn này, con người tiếp xúc với chì qua nhiều nguồn khác nhau: Các thuốc nam dùng uống, bôi, được dân gian gọi là thuốc cam, thuốc tưa lưỡi; Sơn có chì, đồ chơi dùng sơn chì; Môi trường sống như bụi từ sơn chì cũ, đất bị nhiễm sơn chì, ô nhiễm từ hoạt động công nghiệp có chì…; nghề nghiệp có nguy cơ phơi nhiễm chì như sản xuất thủy tinh, nung nấu, tinh chế chì; đồ hộp có chất hàn gắn hộp sử dụng chì, các nguồn thực phẩm bị ô nhiễm từ môi trường do không được kiểm soát tốt…
Theo hướng dẫn, mức ngộ độ chì nặng ở trẻ em xảy ra khi trẻ xuất hiện bệnh lý não (thay đổi hành vi, co giật, hôn mê, liệt dây thần kinh sọ…); nôn kéo dài; nồng độ chì trong máu > 70mcg/dL. Với người lớn, mức độ ngộ độc nặng khi xuất hiện trạng thái hôn mê, co giật, sảng, rối loạn vận động khu trú, đau đầu, phù gai thị…; liệt ngoại biên thần kinh ngoại vi; đau cơn quặn bụng, nôn, bệnh lý thận; nồng độ chì trong máu > 100mcg/dL…
Việc điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ ngộ độc chì phải cấp cứu khi có các triệu chứng suy hô hấp, co giật, hôn mê, tăng áp lực nội sọ; dùng thuốc chống co giật đường uống khi có sóng động kinh trên điện não; truyền máu nếu thiếu máu nặng; dùng thuốc co thắt nếu đau bụng…
Bộ Y tế cũng khuyến cáo, để hạn chế ngộ độc chì cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của người dân khi bị bệnh chỉ khám và điều trị ở các cơ có đăng ký và dùng thuốc lưu hành hợp pháp…
Benh.vn (Theo công bố của Bộ Y Tế)