Khi chăm con, bố mẹ chắc chắn sẽ gặp những thời điểm bỗng dưng bé trằn trọc, quấy khóc kéo dài nhiều ngày. Cùng Benh.vn tìm hiểu đó là những thời điểm nào để có sự chuẩn bị tốt nhất, cùng con “vượt qua”.
Mục lục
Bé được 5 tuần tuổi
Sau khi đầy tháng, bé bắt đầu có sự phát triển các giác quan và đặc biệt mạnh mẽ vào tuần thứ 5. Bé trở nên tỉnh táo hơn, chú ý đến mọi thứ xung quanh nhiều hơn khiến bé có cảm giác choáng ngợp và quấy khóc nhiều.
Giai đoạn này, giấc ngủ của bé thường bị gián đoạn, ngủ thường không sâu giấc, thậm chí bé quấy khóc suốt đêm. Vì thế, mẹ cần cho bé bú đúng cữ để đảm bảo bé luôn được no bụng và đảm bảo bé không bị nóng quá hay lạnh quá.
Bé được 8 – 9 tuần tuổi
Giai đoạn này, bé bắt đầu nhận ra và thực hiện 1 số hành vi lặp đi lặp lại ví dụ như chóp chép miệng. Bé tò mò và muốn khám phá mọi thứ xung quanh. Chính điều này khiến bé trở nên “khó ở” hơn và giấc ngủ của bé cũng rối loạn hơn.
Mẹ hãy tạo cho bé 1 môi trường ngủ lý tưởng: giảm ánh sáng và tiếng ồn. Hãy cho bé đi ngủ theo 1 khung giờ cố định để rèn thói quen ngủ đúng giờ cho bé.
Bé được 12 tuần tuổi
Đây là mốc thời gian đánh dấu sự chuyển biến lớn đầu tiên của trẻ. Lúc này, việc vận động của bé trở nên nhịp nhàng và khéo léo hơn. Con sẽ bắt đầu biết lẫy, lật ngửa, ngóc đầu, cười nhiều hơn và thích nghe nhiều âm thanh hơn. Trẻ hoạt động nhiều hơn hẳn nên lịch ngủ vì thế cũng bị xáo trộn.
Bé được 15 – 19 tuần tuổi
Mẹ sẽ bắt đầu thấy bé biết cho tay vào miệng hoặc cầm nắm tất cả mọi đồ vật nhét vào miệng, biết nhìn theo mẹ bố, đẩy núm ti ra khi đã no. Bé nhận ra ảnh hưởng của các sự vật.
Giấc ngủ của bé vào nếp chưa được bao lâu thì mẹ đã phải đối mặt với giai đoạn bé tiếp tục ngủ thất thường này. Giai đoạn này, bé có thể quấy nhiều hơn, giấc ngủ chập chờn hơn.
Bé được 23 – 26 tuần tuổi
Bé bắt đầu lăn, trườn, bò và nghịch ngợm mọi thứ xung quanh. Bé sẽ có cảm giác lo lắng, bất an khi thấy mẹ đi xa, vì thế việc dỗ bé đi ngủ khó khăn hơn khi không có mẹ bên cạnh.
Bé được 33 – 37 tuần tuổi
Giai đoạn này, bé vận động nhanh nhẹn hơn. Bé có thể bò tốt hơn, bé đứng thẳng dễ hơn và chập chững tập đi. Đây cũng là thời điểm giấc ngủ của bé bị rối loạn nhiều nhất. Vì thế, mẹ cần tránh tạo ra quá nhiều thay đổi trong giấc ngủ của bé vì có thể khiến giấc ngủ của bé trở nên rối loạn hơn, bé quấy nhiều hơn và ít ngủ hơn.
Bé được 42 – 46 tuần tuổi
Con sẽ bắt đầu nói những từ đơn, biết trả lời câu hỏi ngắn, biết chỉ vào đồ vật mình muốn, thích chơi xếp chồng đồ vật và có những bước tiến mới trong các công việc đơn giản như mặc quần áo, ăn cơm… Đây cũng là một trong những giai đoạn bé bị rối loạn giấc ngủ, quấy khóc nhiều.
Bé được 52 – 55 tuần tuổi
Bé dần thể hiện sở thích cá nhân, chẳng hạn như thích chơi đồ chơi này chứ không phải loại khác. Vì sở thích cá nhân và tính cách độc lập bắt đầu bộc lộ nên việc đưa bé đi ngủ trưa và ngủ tối có thể gặp khó khăn và mẹ cần luôn sẵn tinh thần trước những cơn ăn vạ, chống đối của bé.
Bé được 61 – 64 tuần tuổi
Trẻ giai đoạn này tiếp thu rất nhanh trước những phản ứng của bố mẹ đối với chúng. Do đó, cha mẹ cần phải đưa ra những thông điệp chính xác, thiết lập khuôn khổ để đưa bé vào nề nếp. Vấn đề ngủ không chỉ đơn thuần là chuyện đi ngủ nữa mà trở thành vấn đề làm thế nào để rèn kỷ luật cho bé.
Bé được 72 – 76 tuần tuổi
Trẻ đã biết thay đổi hành vi và thái độ cho phù hợp với hoàn cảnh nhất định. Đó là lí do vì sao bạn lại thấy con có thể rất ngoan ngoãn, dễ bảo khi ở bên cô trông trẻ nhưng lại quấy khóc khi ở bên bố mẹ.
Tình trạng trẻ quấy khóc, mất ngủ ở những giai đoạn nhạy cảm trên là không tránh khỏi. Tuy nhiên, không phải bé nào cũng gặp phải tình trạng này. Vì thế, nếu bé nhà bạn có không may gặp phải tình trạng khó ngủ hay quấy khóc, ba mẹ cũng nên tìm cách cải thiện sớm tình trạng này.
Benh.vn