Điều làm nhiều người lo lắng là những sản phẩm trái mùa không phải do công nghiệp trồng cây trái mùa sản xuất ra mà do các nhà kinh doanh tạo nên bằng một biện pháp nguy hại đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Mục lục
Các loại trái cây có trên thị trường nước ta hiện nay rất phong phú, ngoài hoa quả trong nước còn nhiều loại trái cây được nhập từ nước ngoài. Người tiêu dùng không chỉ được thưởng thức mùa nào trái ấy như trước kia nữa mà còn có thể mua nhiều loại trái mùa rất sẵn…
Khuyến cáo sử dụng trái cây ngâm thuốc, không rõ nguồn gốc
Các loại trái cây không nguồn gốc bày bán trên thị trường rất phong phú. Nếu căn cứ vào những lời giới thiệu nào là táo New Zeland, nho Mỹ, xoài Ấn Độ, cam quýt Thái Lan, lê Trung Quốc… người tiêu dùng rất dễ mắc lừa và mua về để thưởng thức “của lạ” nước ngoài. Tuy nhiên, những loại trái cây cao cấp đắt tiền này có đúng như lời giới thiệu không, được bảo quản bằng hoá chất gì và có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không… thực sự rất khó biết vì ngay cả nguồn gốc của chúng cũng rất mập mờ.
Có nhiều hoá chất được sử dụng để bảo quản trái cây, phổ biến nhất hiện nay là chất chống nấm dùng trong xây dựng rẻ tiền. Trái cây sau khi được nhúng vào dung dịch này, các vi sinh vật bám vào sẽ bị chết ngay nên sẽ giữ được vẻ tươi đẹp rất lâu. Có nơi người ta còn dùng cả chất 2,4 D là một loại thuốc diệt cỏ để tẩm ướp bảo quản trái cây.
Đây là một hoá chất độc, dùng liều lượng cao có tác dụng diệt cỏ, dùng nồng độ thấp có tác dụng kích thích làm cho trái cây tăng kích thước rất nhanh và làm chậm quá trình lão hoá, giúp trái cây tươi lâu.Thậm chí có nơi người ta còn mua hoá chất rẻ tiền không nguồn gốc, pha trộn với liều lượng tuỳ thích để bảo quản trái cây, miễn là sản phẩm càng tươi lâu, càng bóng bảy càng tốt. Việc phân biệt trái cây tự nhiên với những loại bảo quản bằng hoá chất rất khó, không thể thực hiện được bằng mắt thường. Các biện pháp để đề phòng như rửa kỹ bằng nước sạch hoặc ngâm nước muối cũng không có tác dụng, vì có thể hoá chất độc hại đã ngấm sâu vào ruột trái cây.
Bí kíp sử dụng trái cây an toàn
Lựa chọn cẩn thận
Theo Cục An toàn thực phẩm, để sử dụng trái cây an toàn, việc đầu tiên là khi đi mua cần lưu ý nguồn gốc xuất xứ, nên mua tại các cơ sở có chứng nhận của cơ quan chức năng về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nên chọn mua trái cây ở những cửa hàng có tín nhiệm, không nên mua những loại không rõ nguồn gốc.
Những loại trái cây (nhất là hàng nhập ngoại) được bảo quản theo các phương pháp an toàn thường được đóng gói cẩn thận, có ghi tên công ty, hãng gia công chế biến… trên bao gói bán lẻ và trên thùng đựng.Cần lựa những trái cây có màu sắc tươi đẹp, có dáng vẻ tự nhiên, không bị dập úng, không có những biểu hiện lạ như nấm mốc và cảnh giác với những loại quá bóng bảy, đẹp mã.
Đặc biệt là khi ngửi phải có mùi đặc trưng của quả đó thì trái cây mới an toàn. Với trái cây có mùi “hắc” thì rất có thể nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Đối với cam quýt, nên chọn những quả còn cả cuống và lá. Tốt nhất nên lay thử nhẹ cuống xem có đúng cuống thật hay được dính bằng keo. Trái cây trái mùa cũng là những loại thực phẩm có nguy cơ nhiễm hóa chất bảo vệ, chất kích thích nhiều nhất. Vì thế, trái cây hay rau củ đều nên ăn theo mùa, hạn chế dùng trái cây trái vụ.
Bảo quản, rửa trái cây
Một điều cần lưu ý nữa, đó là việc bảo quản, rửa trái cây như thế nào để loại bỏ được tối đa vi khuẩn, thuốc bảo vệ thực vật? Theo BS Lâm Quốc Hùng, Cục An toàn thực phẩm, người tiêu dùng có thói quen mua trái cây về là để nguyên trong túi bảo quản trong tủ lạnh, chỉ đến khi ăn mới rửa. Điều này là không nên vì nếu không may trái cây có nhiễm vi khuẩn, nấm mốc… thì sẽ lây lan sang các thực phẩm khác trong tủ lạnh.
Vì thế, khi mua trái cây về nên rửa sạch sẽ rồi mới bảo quản trong tủ lạnh. Thêm nữa, người dân thường có thói quen rửa trái cây (hay cả rau, củ) trong chậu nước, phương pháp này chủ yếu là rửa sạch các chất bẩn hữu cơ như đất, rác… còn rất khó để rửa sạch giun sán, ký sinh trùng, vi khuẩn bám ở bề mặt trái cây, rau. Để đảm bảo rau quả được rửa sạch, trôi đi các loại ký sinh trùng, giun sán bám trên bề mặt, mọi người có thể áp dụng biện pháp đơn giản sau: Ngâm trái cây trong 5-10 phút để làm mềm các chất bẩn bề mặt, sau đó rửa trực tiếp dưới vòi nước chảy.
Với những trái cây mềm như nho, dâu tây… thì cho trái dưới vòi nước chảy, dùng tay nhẹ nhàng rửa sạch bề mặt; còn với trái cứng như táo, xoài… việc cọ vỏ dưới vòi nước chảy sẽ giúp loại bỏ các vi khuẩn, nấm mốc và dư lượng hoá chất trừ sâu bám ở bề mặt củ quả, rau xanh. Với táo, đặc biệt lưu ý ở đầu núm táo là nơi có thể tồn tại nhiều tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, vi khuẩn nhất nên phải rửa kỹ. Sau khi rửa sạch dưới vòi nước chảy, hãy để ráo nước rồi bảo quản trong tủ lạnh. Khi lấy ra ăn nên rửa lại như trên và ngâm trong nước muối một lần nữa trước khi ăn.
Tuy khá tốn nước nhưng đây lại là biện pháp rất hiệu quả để loại bỏ vi khuẩn, tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật… ra khỏi trái cây. Các biện pháp khác như ngâm muối, thuốc tím, thậm chí sục ozon cũng không loại bỏ hoàn toàn hiệu quả như biện pháp này mà chỉ là biện pháp hỗ trợ sau khi rửa sạch trái cây, củ quả dưới vòi nước chảy mà thôi.
An Nguyên – Benh.vn