Thịt vịt là món ăn được yêu thích của người dân Việt Nam, đặc biệt từ tháng 6 đến tháng 7 âm lịch hàng năm (mùa vịt cỏ Vân Đình) phù hợp với thời điểm mùa sấu các quán ăn thường chế biến đặc sản vịt om sấu, vịt nướng…để thu hút quý khách. Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế, món ăn khoái khẩu này lại không phù hợp với một số đối tượng…
Tác dụng của thịt vịt
Thịt vịt có giá trị dinh dưỡng rất cao, theo các nhà khoa học, trong 100g thịt vịt có khoảng 25g chất protein (vượt xa nhiều lần so với thịt bò, heo, dê, cá, trứng). Ngoài ra, hàm lượng các chất dinh dưỡng như canxi, phốtpho, sắt, vitamin (B1, B2, A, D, E), acide nicotic… có trong thịt vịt rất cao.
Theo Đông y thì thịt vịt tính hàn, có tác dụng tư âm, dưỡng vị do đó thịt vịt giúp điều trị các chứng bệnh tiểu tiện bất lợi, nhiệt bệnh, hư lao, bổ ngũ tạng và thủy đạo. Bên cạnh đó, thịt vịt có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ chữa bệnh tim mạch, hỗ trợ điều trị lao phổi và ung thư .
Những đối tượng không nên ăn thịt vịt
Do thịt vịt có tính hàn, tác dụng bổ âm nên những người dương hư tỳ nhược, ngoại cảm chưa khỏi hẳn tạm thời chưa nên ăn. Trong đó, người có tính hàn đang bị cảm tuyệt đối không nên dùng thịt vịt để tránh bệnh nặng hơn. Người bị bệnh gout không nên ăn thịt, vì trong thịt vịt có lượng purin cao có thể làm tăng cao axit uric trong cơ thể.
Đặc biệt, người có hệ tiêu hóa, tuần hoàn kém lâu ngày làm suy yếu các cơ quan khác như hệ tiêu hóa, thận, hệ thống miễn dịch… cũng không nên ăn nhiều nếu không muốn cơ thể càng dễ bị nhiễm lạnh hơn. Ngoài ra thịt vịt cũng khiến người có thể trạng hàn dễ bị các bệnh về cơ-xương-khớp.
Ngoài các trường hợp kể trên, người mới phẫu thuật xong, vết thương chưa lành cũng không nên ăn thịt vịt vì chất tanh sẽ làm bệnh lâu khỏi hơn. Đặc biệt, do thịt vịt có tính lạnh nên không ăn thịt vịt với thịt ba ba bởi chúng sẽ làm biến chất đạm, giảm giá trị dinh dưỡng, không tốt cho sức khỏe.
Benh.vn – Tổng hợp