Nếu cảm thấy bàn tay, bàn chân và cơ thể luôn lạnh run ngay cả khi thời tiết nóng thì đó là dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khỏe cần lưu tâm.
Mục lục
Suy giáp
Luôn thấy lạnh là một trong những dấu hiệu sớm của chứng suy giáp. Ở bệnh lý này, tuyến giáp không tiết đủ hormon cần thiết để duy trì tốt chức năng. Nếu không đủ hormon, sự trao đổi chất sẽ chậm lại, cơ thể giảm sản xuất nhiệt khiến người bệnh cảm thấy lạnh.
Cơ thể quá gầy
Trọng lượng cơ thể thấp có thể khiến bạn cảm thấy lạnh do:
- Khi bị thiếu cân bạn sẽ thiếu một lượng chất béo cần thiết để không cảm thấy lạnh
- Do chỉ số cơ thể thấp nên bạn thường ăn rất ít làm lượng calo cung cấp cho cơ thể không đủ, dẫn đến giảm sự trao đổi chất nên không tạo đủ nhiệt để làm ấm cơ thể.
Thiếu vitamin B12
Cơ thể cần vitamin B12 để tạo ra hồng cầu. Nếu thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu gây ra tình trạng lạnh mạn tính. Thiếu B12 cũng có thể là do chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng. Vì vậy, bạn nên ăn nhiều thịt nạc, cá và sữa…
Thiếu sắt
Sắt là chất quan trọng giúp các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy, mang nhiệt và các chất dinh dưỡng đến mọi tế bào. Vì vậy thiếu sắt là một trong những lý do khiến bạn luôn cảm thấy lạnh.
Mất nước
Khoảng 70% cơ thể là nước, nước giúp điều hòa nhiệt độ của cơ thể. Nếu uống đủ nước, nước sẽ giúp giữ nhiệt nên cơ thể bạn sẽ luôn ấm áp. Nếu thiếu nước, cơ thể trở nên nhạy cảm hơn với nhiệt độ.
Tuần hoàn kém
Nếu chỉ bàn tay và bàn chân luôn thấy lạnh còn các phần còn lại của cơ thể lại bình thường thì rất có thể do rối loạn tuần hoàn máu hoặc vấn đề về tim.
Mắc tiểu đường
Bệnh đái tháo đường không được kiểm soát tốt có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh thần kinh ngoại biên gây ra tình trạng ớn lạnh ở bàn tay, bàn chân.
Benh.vn (Theo BV Thu Cúc)