Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vừa đưa ra cảnh báo về nguy cơ chảy máu nghiêm trọng khi sử dụng thuốc kháng acid không kê đơn (OTC) có chứa aspirin để điều trị chứng ợ nóng, đầy bụng, khó chịu ở dạ dày hay trào ngược dạ dày thực quản…
Mục lục
Về thuốc kháng acid OTC có chứa aspirin
Những sản phẩm kết hợp thuốc kháng acid (như natri bicarbonate hoặc thuốc kháng acid khác) làm trung hòa acid dạ dày kết hợp với aspirin, một loại thuốc chống viêm, giảm đau không steroid (NSAID), có tác dụng kháng acid và giảm đau, được sử dụng rộng rãi để điều trị chứng ợ nóng, chứng khó tiêu, trướng bụng, đầy hơi… và làm giảm nhanh các triệu chứng như nhức đầu, đau nhức toàn thân, cơ – xương – khớp.
Các sản phẩm kháng acid OTC chứa aspirin được bán dưới nhiều tên thương mại khác nhau như alka-seltzer, bromo seltzer, hay viên sủi medi seltzer… Ngoài ra, aspirin cũng có sẵn trong các sản phẩm OTC khác.
Aspirin là thuốc giảm đau, hoạt động bằng cách ức chế quá trình hóa học khác nhau trong cơ thể gây đau và viêm còn các thuốc kháng acid hoạt động bằng cách trung hòa axit trong dạ dày và làm giảm các triệu chứng khó chịu cho người bệnh khi bị thừa acid dịch vị.
Hình ảnh loét dạ dày – tá tràng.
Và nguy cơ chảy máu đường tiêu hóa
Khi sử dụng aspirin các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra (tần số các tác dụng phụ này phụ thuộc vào liều), thường gặp nhất là triệu chứng tiêu hóa và ở liều cao như buồn nôn, nôn, khó tiêu, khó chịu ở thượng vị, ợ nóng, đau dạ dày, loét dạ dày – ruột.
Như vậy, aspirin đã được biết đến là một thuốc có thể làm tăng nguy cơ chảy máu đường tiêu hóa, thậm chí nghiêm trọng phải nhập viện và phải truyền máu. Trong năm 2009, một cảnh báo về nguy cơ chảy máu nghiêm trọng đã được thêm vào nhãn của tất cả các sản phẩm OTC có chứa kháng viêm không steroid, bao gồm cả các sản phẩm thuốc kháng acid có chứa aspirin.
Tuy nhiên, sau lời cảnh báo bổ sung này vẫn có trường hợp bị chảy máu nghiêm trọng và tất cả những bệnh nhân này đều phải nhập viện. Thậm chí những người có yếu tố nguy cơ nằm trong chống chỉ định của thuốc nhưng vẫn dùng khiến cho sự chảy máu càng trầm trọng hơn.
Các yếu tố nguy cơ làm trầm trọng tác dụng phụ
Người bệnh có một hoặc nhiều hơn các yếu tố nguy cơ sau đây, sẽ có nguy cơ cao hơn bị xuất huyết (thậm chí nghiêm trọng) khi dùng các sản phẩm thuốc kháng acid có chứa aspirin.
Đó là người 60 tuổi trở lên; có tiền sử loét dạ dày hoặc các vấn đề về chảy máu; đang dùng thuốc chống đông (làm loãng máu) như warfarin, dabigatran, rivaroxaban, apixaban, edoxaban và heparin (khi dùng aspirin liều cao với các thuốc này sẽ làm tăng nguy cơ xuất huyết do thuốc ức chế chức năng của tiểu cầu, tấn công lên niêm mạc dạ dày – tá tràng và cắt liên kết của thuốc uống chống đông máu với protéine huyết tương); dùng thuốc steroid để giảm viêm (prednison, prednisolon, methylprednisolon, hydrocortison, betamethason, dexamethason) và dùng các loại thuốc khác có chứa thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen hoặc naproxen (sẽ tăng nguy cơ gây loét tá tràng và xuất huyết đường tiêu hóa do hiệp đồng tác dụng) và uống nhiều đồ uống có cồn mỗi ngày…
Ngoài ra, việc dùng nhiều hơn liều lượng khuyến cáo hoặc dùng trong một thời gian dài hơn so với qui định cũng sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu nghiêm trọng.
Lời khuyên cho người dùng
Đối với người bệnh cần lưu ý, khi mua dùng một sản phẩm OTC để điều trị chứng ợ nóng, khó tiêu, đau bụng hoặc thừa acid dạ dày… cần đọc kỹ nhãn thuốc hoặc hướng dẫn sử dụng. Nếu sản phẩm có chứa aspirin, cần xem xét xem sản phẩm đó có an toàn cho người bệnh không.
Nếu không an toàn (ví dụ như tình trạng người bệnh nằm trong mục “chống chỉ định” của thuốc chẳng hạn), người bệnh có thể lựa chọn các sản phẩm mà không có aspirin để giảm các triệu chứng, giải quyết vấn đề của mình. Nếu người bệnh không chắc chắn là sản phẩm đó có chứa aspirin hay không, hỏi dược sĩ hoặc bác sĩ…
Người bệnh đang dùng aspirin đơn độc để điều trị vấn đề về tim mạch hoặc vì lý do khác, không nên ngưng dùng thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ. Người bệnh cần theo dõi, phát hiện và báo cáo các tác dụng phụ nếu gặp phải khi dùng thuốc nói chung và các thuốc kháng acid chứa aspirin nói riêng cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết. Cần tìm kiếm sự trợ giúp của y tế ngay lập tức khi có dấu hiệu của chảy máu đường tiêu hóa như nôn máu, đi ngoài phân đen…
DS. Hoàng Thị Thủy
Benh.vn ( Theo SK&ĐS)