Để giảm thiểu chứng tiểu không tự chủ, y học đã nghiên cứu và đưa ra một số bài tập cho người bệnh và mang lại những kết quả rất khả quan. Với các bài tập đơn giản dưới đây, Benh.vn hy vọng sẽ giúp người bệnh giảm thiểu những triệu chứng khó chịu của căn bệnh này.
Mục lục
Chứng tiểu không tự chủ thường xảy ra ở người cao tuổi, phụ nữ sau sinh hoặc người có bệnh ở cơ quan tiết niệu sinh dục…Tiểu tiện không tự chủ tuy không gây đau đớn cho người bệnh nhưng gây phiền phức, bất tiện trong sinh hoạt thường ngày.
Tìm hiểu về bệnh tiểu tiện không tự chủ
Tiểu tiện không tự chủ là tình trạng tiểu tiện ngoài ý muốn, bệnh nhân không thể kiểm soát được hoạt động tiểu tiện của cơ thể.
Tiểu không tự chủ xảy ra ở trẻ em do hệ thần kinh kiểm soát bàng quang chưa phát triển hoàn chỉnh, ở người già do cơ vòng quanh niệu đạo suy yếu theo tuổi tác và nhiều nguyên nhân khác.
Theo ước tính có khoảng 60% người cao tuổi bị mất tự chủ tiểu tiện, nữ giới chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới.
Các loại tiểu tiện không tự chủ
Tiểu không tự chủ stress.
Tiểu không tự chủ cấp bách.
Tiểu không tự chủ tràn.
Tiểu không tự chủ hỗn hợp.
Tiểu không tự chủ chức năng.
Tiểu không tự chủ toàn bộ.
Các bài tập giúp hạn chế chứng tiểu tiện không tự chủ
Mục đích của các bài tập là để luyện tập kiểm soát bàng quang, luyện khả năng ức chế những co thắt bất thường của cơ bức niệu, phục hồi các cơ bức niệu đã suy yếu.
Tập đi tiểu theo giờ
Phương pháp:
- Đi tiểu theo giờ nhất định mặc dù chưa buồn tiểu.
- Tập nhịn tiểu khoảng 3 đến 5 phút khi buồn tiểu mà chưa đến giờ (không nhịn lâu sẽ gây hại thận).
- Duy trì thường xuyên thói quen đi tiểu đúng giờ.
Tập đi tiểu theo giờ.
Tập co cơ khi đại, tiểu tiện
Phương pháp:
- Ngồi trên ghế cứng, hai khuỷu tay chống lên đầu gối (có thể nằm ngửa, đầu gối gấp, hai bàn chân để thẳng lên mặt giường).
- Co các cơ đại tiểu tiện (giống như khi nhịn đi tiểu hoặc đại tiện).
- Giữ như vậy và đếm đến 3 rồi thả lỏng (thực hiện động tác này 10 lần).
- Thực hiện ít nhất 3 lần/ngày.
- Tập từ 2 đến 3 tháng sẽ có kết quả.
Tập giữ nước tiểu
Phương pháp:
- Khi đã đi tiểu được ½ thì nhịn sau đó đếm chậm từ 1 đến 3 rồi tiểu nốt (mục đích làm cho cơ thắt khỏe hơn).
- Khi đã quen với phương pháp này tập nhịn tiểu lâu hơn (đếm từ 1 đến 10).
- Tập thường xuyên mỗi khi đi tiểu tiện (nếu bỏ tập, các cơ sẽ yếu đi).
Tập giữ nước tiểu giúp cho cơ thắt khỏe hơn.
Những lưu ý cho bệnh nhân tiểu tiện không tự chủ
Duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp với chiều cao, tránh thừa cân, béo phì.
Không hút thuốc, hạn chế uống trà.
Thực hành bài tập Kegel đối với phụ nữ mang thai.
Tránh các chất kích thích bàng quang.
Ăn nhiều chất xơ để ngăn ngừa táo bón (nguy cơ dẫn đến tiểu không tự chủ).
Vận động, tập thể dục để giảm thiểu nguy cơ tiểu tiện không tự chủ…
Vận động, tập thể dục để giảm thiểu nguy cơ tiểu tiện không tự chủ.
Tiểu không tự chủ do sang chấn và cơ bức niệu không ổn định là những nguyên nhân chính (chiếm 90%) dẫn đến mất tự chủ tiểu tiện. Tự chủ không tiểu tiện nếu phát hiện và điều trị ở giai đoạn đầu sẽ đạt hiệu quả cao, tuy nhiên do tâm lý, bệnh nhân thường che giấu không đi khám bệnh khiến bệnh trở nên khó điều trị hơn.
Vì vậy, khi có triệu chứng tiểu tiện không tự chủ cần hạn chế uống trà, tập các bài tập đơn giản như: nhịn trong khi đi tiểu, tập tiểu theo giờ, tập co cơ khi đại tiểu tiện… để phục hồi các chức năng của cơ bức niệu. Bên cạnh đó, người bệnh cần đi khám để được các bác sỹ tư vấn và điều trị khi bệnh còn đang ở giai đoạn đầu.