Corticoid là một trong những nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi trên thế giới bởi những tác dụng “thần kỳ” trong điều trị bệnh, cứu sống hàng triệu bệnh nhân mỗi năm. Tuy nhiên nó cũng có không ít tác dụng phụ gây nguy hiểm. Dẫu thầy thuốc đã thường xuyên cảnh báo nhưng nhiều người vẫn tự ý mua thuốc chứa corticoid và dùng chúng bừa bãi dẫn đến những tai biến hết sức nặng nề.
Mục lục
- 1 Sử dụng thuốc vào buổi sáng
- 2 Không ngừng thuốc đột ngột với đợt điều trị > 5 ngày
- 3 Điều trị dài ngày corticoid cần giảm muối trong chế độ ăn
- 4 Kiểm tra huyết áp thường xuyên
- 5 Thường xuyên kiểm tra đường máu
- 6 Trong thời gian dùng corticoid, nếu tiêm chủng vắc xin cần chú ý tương tác thuốc
- 7 Lưu ý nguy cơ loãng xương
- 8 Tác dụng bất lợi của thuốc
Cùng Benh.vn tìm hiểu về những lưu ý quan trọng khi sử dụng corticoid để hạn chế tối đa tác dụng phụ của nó.
Sử dụng thuốc vào buổi sáng
Cortisol là hormon được tiết ra từ tuyến thượng thận. Bình thường, hormon này tiết ra nhiều nhất vào khoảng 7-8 giờ sáng. Khi dùng thuốc chứa corticoid, cần dùng vào thời điểm trùng với thời gian cơ thể tiết ra cortisol nhiều nhất để tránh tuyến thượng thận bị suy.
Lời khuyên: Nên dùng thuốc vào khoảng 7-8 giờ sáng.
Không ngừng thuốc đột ngột với đợt điều trị > 5 ngày
Liệu trình điều trị bằng corticoid khiến tuyến thượng thận “quên” tạm thời nhiệm vụ tiết cortisol.
Khi ngừng điều trị một cách đột ngột sẽ khiến tuyến thượng thận chưa kịp thích ứng với việc phải tiết lại hormon sẽ gây suy tuyến thượng thận cấp, gây thiếu hụt corticoid, điều này ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể vì corticoid là hormon rất quan trọng.
Vì vậy khi ngừng điều trị nên giảm liều từ từ để khởi động lại tuyến thượng thận với những đợt điều trị dài (>5 ngày)
Điều trị dài ngày corticoid cần giảm muối trong chế độ ăn
Corticoid có tác dụng gây giữ muối, nước; hậu quả có thể gây phù, tăng cân vì vậy khẩu phần ăn cần hạn chế muối nhưng tăng thêm lượng protein.
Kiểm tra huyết áp thường xuyên
Corticoid gây ứ muối và nước, vì thế gây tăng huyết áp. Sau khi ngừng điều trị huyết áp sẽ về mức bình thường nhưng cần theo dõi đặc biệt người có tiền sử cao huyết áp.
Thường xuyên kiểm tra đường máu
Corticoid vừa làm tăng sản xuất glucose ở gan và tăng tích lũy glucose trong máu, kết quả làm tăng đường máu, vì vậy nên hạn chế thực phẩm ngọt chứa nhiều đường trong thời gian điều trị corticoid.
Đặc biệt những người bị đái tháo đường cần thường xuyên kiểm tra đường máu để điều chỉnh liều điều trị thích hợp.
Trong thời gian dùng corticoid, nếu tiêm chủng vắc xin cần chú ý tương tác thuốc
Corticoid là thuốc ức chế miễn dịch. Một số loại vắc xin được tiêm trong thời gian điều trị bằng corticoid có thể tạo ra miễn dịch yếu hơn vì vậy hiệu quả thấp hơn.
Lưu ý nguy cơ loãng xương
Điều trị corticoid thời gian dài gây những tác hại nhất định đến xương. Thuốc này gây mất canxi nên có thể dẫn đến loãng xương. Nếu điều trị corticoid dài ngày nên đo mật độ xương, thường là 2 năm một lần.
Bên cạnh đó chú ý bổ sung canxi hợp lý để bù lại lượng đã mất
Tác dụng bất lợi của thuốc
Corticoid cũng như nhiều loại thuốc khác gây những tác dụng phụ. Khi xảy ra cần thăm khám bác sĩ để tìm ra phương cách dự phòng hoặc điều chỉnh liều dùng cho phù hợp.
Xem thêm: Những tác dụng phụ và lời khuyên cho bệnh nhân dùng corticoid