Thời tiết vào hè, nhất là tháng 6 & 7, trời oi bức, nắng nóng có thể lên đến nhiệt độ 38 đến 39oC khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải, bỏ bữa, nhất là người già và trẻ nhỏ. Với một số món canh ngon, mát bổ sau đây, hy vọng sẽ giúp cho bữa cơm của các gia đình đa dạng hơn và “gỡ bí” cho chị em.
Mục lục
Lựa chọn tối ưu cho thực đơn của các bà nội trợ trong thời gian này là: cơm rau muống luộc, canh mùng tơi, rau lang…nhưng lâu rồi cũng thấy chán không muốn ăn.
Với một số món canh ngon, mát bổ sau đây, hy vọng sẽ giúp cho bữa cơm của các gia đình đa dạng hơn và “gỡ bí” cho chị em.
Canh cua nấu bầu
Giá trị dinh dưỡng của cua đồng
Cua đồng không chỉ là thực phẩm dân dã quen thuộc đối với người Việt Nam mà còn là một vị thuốc tốt. Canh cua đồng là món giải nhiệt trong mùa hè, kích thích ăn uống và dễ tiêu hóa thức ăn.
Y học cổ truyền dùng cua đồng chữa ứ huyết khi bị chấn thương bầm dập. Y học hiện đại xác nhận trong cua đồng có nhiều calci phosphat nên rất tốt cho trẻ còi xương hay người bị loãng xương.
Canh cua nấu bầu là món ăn giải nhiệt, kích thích ăn uống trong những ngày hè
Tác dụng của quả bầu
Bầu có giá trị dinh dưỡng cao, ngoải ra nó còn là một vị thuốc dân gian có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, nhuận tràng, chống táo bón. Canh cua nấu bầu sẽ khiến bữa cơm mùa hè thêm ngon và hấp dẫn.
Nguyên liệu:
+ Cua đồng: 300g
+ Bầu: 700g.
+ Thì là, hành hoa, hạt nêm, muối.
Cách làm:
+ Bầu nạo bỏ vỏ, rửa sạch rồi nạo hoặc băm nhỏ.
+ Cua đồng rửa sạch, bóc bỏ mai và yếm.
+ Khêu lấy phần gạch cua để riêng, phần thân cua đem giã (hoặc xay) nát.
+ Cho lượng nước đủ ăn vào thịt cua quấy đều rồi lọc bỏ bã cua qua rây, lấy nước lọc cua.
+ Cho nồi nước lọc cua lên bếp, thêm vào khoảng 1 thìa muối. Dùng đũa quấy đều cho đến khi thịt cua bắt đầu nổi lăn tăn trên mặt nước thì không cần quấy nữa.
+ Khi nước sôi, gạch cua đóng thành tảng thì dùng đũa gạt gạch cua qua một bên rồi thả bầu vào.
+ Khi nước sôi trở lại thì rắc thì là, hành hoa thái nhỏ vào. Nêm nếm thêm hạt nêm, gia vị cho vừa miệng rồi tắt bếp.
Món canh cua nấu bầu ngon, bổ mát, khi thực hiện khá đơn giản nhưng rất đưa cơm.
Canh mướp đắng nhồi thịt
Tác dụng của mướp đắng
Mướp đắng có hàm lượng vitamin C cao hàng đầu trong các loại rau, có tác dụng phòng bệnh xuất huyết, bảo vệ màng tế bào, phòng xơ vữa động mạch, tăng sức đề kháng…
Vì mướp đắng có tính hàn, có công dụng giải nhiệt, sáng mắt, giải độc nên canh mướp đắng là món ăn lý tưởng cho các gia đình trong ngày hè.
Mướp đắng có hàm lượng vitamin C cao, có tác dụng tăng sức đề kháng cho cơ thể
Nguyên liệu:
+ Mướp đắng: 300gr (chọn quả ngắn, nở gai to)
+ Thịt nạc băm: 100gr.
+ Nước xương.
+ Mộc nhĩ, nấm hương, hành, bột nêm vừa đủ.
Cách làm:
+ Mướp đắng rửa sạch, cắt thành từng khúc và móc bỏ hột.
+ Thịt rửa sạch, băm hoặc xay nhuyễn rồi ướp chút tiêu, bột ngọt, hành lá.
+ Mộc nhĩ, nấm hương ngâm mềm, rửa sạch thái nhỏ rồi trộn với thịt.
+ Nhồi thịt vào mướp rồi cho vào nồi nước xương (đã đun sôi) sau đó để lửa nhỏ.
Sau 20 phút thêm một chút mỳ chính, tiêu là chúng ta đã có một nồi canh ngon, mát.
Canh ngao nấu dứa
Tác dụng của dứa
Dứa là loại quả có rất nhiều tác dụng và bổ dưỡng cho sức khỏe. Dứa giàu chất xơ, các enzyme tiêu hóa, vitamin C, canxi và kali. Trong dứa không có cholesterol, vì vây dứa có tác dụng thanh nhiệt, giảm mỡ, kích thích tiêu hóa, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Canh ngao nấu dứa có vị thơm ngon, chua dịu, dễ làm, dễ ăn
Giá trị dinh dưỡng của ngao
Ngao là thực phẩm giàu dinh dưỡng, trong thịt ngao có đầy đủ các chất protit, gluxit, lipid, nhiều vitamin và khoáng chất.
Món canh ngao, dứa có giá trị dinh dưỡng cao với vị thơm ngon, chua dịu lại không mất quá nhiều thời gian chế biến. Vì vậy nó sẽ là lựa chọn tuyệt vời cho gia đình bạn trong mùa hè này.
Nguyên liệu:
+ 1kg ngao.
+ 1 quả dứa, cà chua, rau răm, hành, thì là, sấu, gừng, hành khô.
+ Bột canh, mỳ chính.
Cách chế biến:
Các gia giảm:
+ Cà chua rửa sạch, thái miếng.
+ Hành khô thái nhỏ, gừng đập dập, răm, hành rửa sạch, thái nhỏ.
Ngao:
+ Ngao (sau khi đã ngâm) rửa sạch, cho vào nồi, đổ ngập nước bỏ thêm vài hạt muối vào luộc.
+ Khi ngao mở miệng thì vớt ra, tách lấy phần thịt rồi loại bỏ túi phân và thái thành miếng vừa ăn.
+ Phi hành thơm rồi đổ cà chua vào xào cùng.
+ Khi cà chua đã chín nhừ, cho trai vào đảo nhanh, cho chút mỳ chính, bột canh rồi múc ra bát.
+ Đổ nước luộc ngao vào nồi (đã gạn bỏ phần cặn lắng bên dưới) rồi thả 2 quả sấu, dứa thái miếng nhỏ và gừng vào đun khoảng 10 phút.
+ Cho ngao và cà chua bổ múi cau vào đun thêm 5 phút nữa, nêm nếm gia vị vừa ăn.
Cho hành, răm vào là chúng ta đã được một món ăn ngon, vừa có vị chua dịu thơm mát.
Canh hoa thiên lý nấu với giò sống
Tác dụng của hoa thiên lý:
Hoa thiên lý rất giàu vitamin C, B1, B2 và các loại kháng chất cần thiết như canxi, phospho, sắt, đặc biệt là kẽm, vì vậy, nó rất bổ dưỡng.
Ngoài ra, hoa thiên lý còn có tác dụng: giải nhiệt, cải thiện bệnh trĩ và phì đại tuyến tiền liệt. Trong dân gian, hoa thiên lý được sử dụng trợ dương, chữa chứng vô sinh ở nam giới.
Nguyên liệu:
+ Hoa thiên lý: 300g.
+ Giò sống:150g.
+ Gia vị, mỳ chính.
Cách làm:
+ Hoa thiên lý rửa sạch.
+ Sau khi đã đun sôi nước, lấy thìa nhỏ xúc giò sống thành từng viên rồi thả vào nồi.
+ Khi giò sống sôi, thả hoa thiên lý, gia vị, mỳ chính vào nồi đến khi nước sôi bùng lên là được.
Canh mực chua ngọt
Giá trị dinh dưỡng của mực:
Mực có giá trị dinh dưỡng cao, giàu chất protid, chất béo, đường, khoáng và nhiều loại axit amin. Mực có vị mặn, tính hơi ôn, không độc, bổ huyết, lợi tiểu…
Món canh mực vị chua chua, ngòn ngọt sẽ cho bạn cảm giác dễ chịu, ngon miệng hơn và là món ăn lý tưởng trong mùa nắng nóng.
Canh mực vị chua chua, ngọt cho cảm giác dễ chịu, ngon miệng trong mùa nắng nóng
Nguyên liệu:
– Mực ống (loại nhỏ): 150g
– Thì là, hành lá, cà chua, hành tây.
– Hạt nêm, tiêu, đường, mỳ chính.
Cách làm:
+ Mực sát muối, rửa sạch rồi băm nhuyễn.
+ Thì là thái khúc, hành lá thái nhuyễn, ớt bỏ hạt, băm nhuyễn. Cà chua, hành tây thái múi.
– Trộn đều mực, ớt và hành lá thái nhuyễn cho một chút hạt nêm.
– Đun sôi 800ml nước, rồi múc từng thìa súp mực thả vào, đồng thời cho hạt nêm, đường vào đun sôi.
+ Khi nước sôi lại, cho cà chua và hành tây vào, đun 2 phút rồi rắc thì là và hành lá thái khúc lên để ăn.
Lời kết
Thời tiết mùa hè nóng nực, nhiệt độ cao tác động lên cơ thể con người nên nhu cầu ăn uống giảm sút gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Mặt khác mùa hè là mùa của dịch bệnh nên việc bảo đảm dưỡng chất là việc cần thiết, trong đó việc lựa chọn những món ăn có giá trị dinh dưỡng cao, lại mát bổ, dễ làm, dễ ăn như: canh cua nấu bầu, mướp đắng nhồi thịt, canh ngao nấu dứa, canh thiên lý nấu với giò sống….là những món ăn phù hợp khi thời tiết nắng nóng.
Hải Yến – Benh.vn