Hỏi: Bị ong đốt thì nên xử lý ngay như thế nào?
Trả lời:
Vào mùa hè là số trẻ nhập viện vì ong đốt tăng lên, không phải ong chỉ thích đốt trẻ em mà không thích đốt người lớn. Nguyên nhân trẻ em hay bị đốt hơn người lớn là do trẻ hay đi chọc phá tổ ong, đi chơi lang thang vào nơi có ong làm tổ. Qua số liệu thống kê trẻ bị ong đốt nhập viện trong 5 năm từ 2001 đến 2005 là 252 trường hợp, trung bình là từ 40 đến 60 trường hợp mỗi năm, thường là ở các tỉnh.
Những loại ong nguy hiểm
Tất cả các loại ong kể cả ong mật đều có khả năng gây ra biến chứng nguy hiểm như sốc phản vệ, có thể gây tử vong cho trẻ trong vòng vài phút đến vài giờ. Dấu hiệu nghi ngờ bị sốc phản vệ là nổi mề đay, than mệt, tay chân lạnh, mạch yếu hoặc không có mạch. Tuy nhiên trong các loài ong thì ong vò vẽ là loai nguy hiểm hơn cả. Khi bị đốt nó có khả năng gây nhiều biến chứng như suy thận cấp, tan máu, tiêu cơ, suy gan thường xuất hiện 1 đến 3 ngày sau khi ong đốt. Ong vò vẽ có thân dài, bụng thon, mình vàng có vạch đen, thường làm tổ trên cây và mái nhà.
Xử lý khi bị ong đốt
Lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da trẻ. Không dùng tay nặn, ép nọc độc có thể lan ra.
- Rửa sạch vùng bị chích bằng xà bông và nước ấm. Bôi dung dịch sát trùng như Povidine 10% hoặc cồn 700 lên vết đốt mỗi ngày 2 lần
- Có thể chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng, cho trẻ uống thuốc giảm đau Paracetamol liều lượng 1 lần uống: 10-15 mg cho mỗi kg cân nặng, một ngày uống 4-6 lần
- Chăm sóc và theo dõi sát trẻ, đưa đến cơ sở y tế ngay nếu có một trong những dấu hiệu nguy hiểm cần nhập viện kể trên.
Phần lớn các trường hợp trẻ bị ong đốt thường là nhẹ có thể để chăm sóc và theo dõi tại nhà. Chỉ đưa đến cơ sở y tế khi trẻ bị sốc phản vệ hoặc bị ong vò vẽ đốt trên 10 vết. Cần theo dõi sát trẻ trong vòng 6 giờ đầu và đưa đi cấp cứu nhanh ở cơ sở y tế gần nhất khi phát hiện có một trong những dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị sốc phản vệ kể trên.
Khi chăm sóc trẻ ở những ngày sau, người nhà phải theo dõi lượng nước tiểu và màu sắc nước tiểu. Nếu thấy trẻ tiểu ít hơn bình thường, nước tiểu chuyển sang màu đỏ hoặc đen, vàng da, vàng mắt, khó thở, trẻ than mệt thì cũng phải đưa trẻ nhập viện ngay.
Chúc bạn quản lý bé tốt để phòng tránh việc việc bị ong đốt.
Benh.vn