Sâu ban miêu là loại sâu cực độc. Tuy nhiên, do hình dáng tương đối giống với bọ xít nên rất nhiều người nhầm lẫn sâu ban miêu với bọ xít. Trên thực tế đã có nhiều người chết vì ăn nhầm loài sâu độc này…
Mục lục
Tìm hiểu về loài sâu ban miêu
Sâu ban miêu còn gọi là nguyên thanh, ban manh, ban mao (Trung Quốc), sâu đậu (Việt Nam). Sâu ban miêu VN cùng loài với sâu ban miêu Trung Quốc, thuộc giống Mylabris, có râu gồm 11 đốt, đốt cuối phình lớn lên, thân hơi khum màu đen với các điểm màu vàng hoặc đỏ nhạt, có khi thân màu vàng với các điểm hay dải ngang màu đen.
Sâu ban miêu sống hoang dại ở khắp các tỉnh nước ta, mùa bắt vào khoảng giữa tháng 5 đến giữa tháng 6.
Sâu ban miêu nguy hiểm như thế nào?
Sâu ban miêu có đặc tính gây rộp da và phỏng nước, do thành phần chất tiết chứa một chất hóa học có tên là Cantharidin.
Sâu ban miêu
Thực chất là nhiều thứ sâu có cánh cứng, màu xanh lục biếc, dài khoảng 15 – 20mm, ngang 4 – 6mm. Có đầu hình tim, có rãnh dọc ở giữa, râu đen hình sợi. Thân có 11 đốt, giữa đầu và thân có một chỗ thắt lại. Phía trên 2 cánh màu đen có các chấm màu vàng hoặc màu đỏ nhạt; hoặc thân màu vàng với các điểm hay các dải ngang màu đen.
Thành phần hóa học gây độc trong sâu ban miêu là Cantharidin. Thông thường chỉ con đực mới có thể bài tiết Cantharidin và truyền sang con cái vào mùa sinh sản, con cái sẽ sử dụng chất tiết chứa Cantharidin bọc bên ngoài trứng có tác dụng bảo vệ trứng bằng cách nếu trứng của chúng bị các loại động vật khác dùng làm thức ăn sẽ gây độc cho các loài động vật đó.
Thời kì Hi Lạp – La mã cổ đại sử dụng ban miêu để kích dục
Tác dụng phụ của sâu ban miêu gây tăng tưới máu khu vực tầng sinh môn nên có thể ghi nhận hiện tượng cương dương bất thường.
Do tình cờ phát hiện tác dụng gây cương dương của sâu ban miêu nên từ xa xưa, các quý ông thường sử dụng sản phẩm từ sâu ban miêu như các loại bột nghiền trộn lẫn với các hóa chất khác được sử dụng như một loại thuốc kích dục từ thời kì Hi Lạp – La mã cổ đại. Tuy nhiên cũng đã có nhiều nhân vật chết vì lạm dụng loài vật này.
ThS.BS Nguyễn Đàm Chính, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ở Việt Nam, đặc biệt là các vùng nông thôn, lâu nay vẫn lưu truyền tin đồn về bài thuốc quý ăn sâu ban miêu có thể cải thiện chức năng sinh lý của nam giới. Do vậy hầu hết những trường hợp nhập viện đều ít nhiều liên quan lý do này.
Tuy nhiên, BS Chính cảnh báo, ngộ độc sâu ban miêu hiếm gặp nhưng rất nặng và gây khó khăn cho hầu hết các bác sĩ vì chưa có phác đồ điều trị thống nhất. Đặc biệt, theo thống kê nhiều năm trở lại đây, hầu hết các trường hợp ngộ độc sâu ban miêu đều dẫn đến tử vong.
Hậu quả khi ăn sâu ban miêu
Sau khi ăn sâu ban miêu, chất Cantharidin tiếp xúc với da hoặc niêm mạc gây hiện tượng li gai (acantholysis), da niêm mạc tại vùng tiếp xúc bị tổn thương như bỏng hóa chất, sau đó hình thành phỏng nước và nguy cơ tiến triển thành nhiễm trùng. Đặc điểm của Cantharidin tương tự peridin có trong kiến ba khoang.
Bệnh nhân có thể bị bỏng niêm mạc đường tiêu hóa do ăn nhầm hoặc cố ý nguy cơ nhiễm trùng cao do thẩm lậu vi khuẩn gram âm đường ruột và kị khí vào ổ bụng và máu. Tổn thương tại niêm mạc đường tiêu hóa dẫn đến đau bụng, buồn nôn, nôn và ỉa chảy nhiều.
Nặng hơn viêm dạ dày ruột và xuất huyết tiêu hóa. Hậu quả dẫn đến mất nước nghiêm trọng trong lòng mạch dẫn đến suy giảm chức năng thận sớm. Cantharidin có thể bài tiết qua đường tiết niệu gây bỏng đường tiết niệu như viêm bàng quang, chảy máu, tiết niệu, thương tổn tương tự đương tiêu hóa.
Lời khuyên từ các bác sỹ
Theo cảnh báo của BS Chính, khi không kiểm soát được triệu chứng và biến chứng ban đầu bệnh nhân có thể tiến triển đến các biến chứng nặng hơn như sốc, rối loạn đông máu trong lòng mạch, nhiễm trùng huyết, viêm phổi..
Bệnh nhân nếu được điều trị kịp thời sẽ thoát được tình trạng sốc và điều trị nhiễm trùng kịp thời. Ngược lại, nếu suy thận tiến triển cùng với tình trạng nhiễm trùng không được kiểm soát, bệnh nhân sẽ tử vong trong bệnh cảnh suy đa tạng với: sốc, rối loạn đông máu, suy thận và nhiễm khuẩn nặng.
Benh.vn (Theo Chất lượng Việt Nam)