Điều 11. Quy trình lọc rửa tinh trùng để thụ tinh trong ống nghiệm
1. Đại cương: thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư này.
2. Chỉ định: Các trường hợp cần lọc rửa mẫu tinh trùng để làm thụ tinh trong ống nghiệm.
3. Chuẩn bị:
a) Chuẩn bị người chồng: chồng kiêng quan hệ tình dục từ 02 đến 07 ngày, lấy mẫu tinh trùng ngày chọc hút noãn;
b) Chuẩn bị trang thiết bị: kính hiển vi, máy li tâm, tủ ấm, tủ thao tác, buồng đếm;
c) Chuẩn bị vật tư tiêu hao: ống nghiệm đáy nhọn, lam kính, các loại môi trường lọc rửa, pipette, bơm tiêm.
4. Quy trình:
a) Lấy mẫu tinh dịch: thực hiện theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 6 Thông tư này.
b) Lọc rửa tinh trùng:
– Để mẫu tinh dịch ly giải hoàn toàn trong tủ ấm 30 phút, ghi lại thời gian ly giải hoàn toàn;
– Lấy một ít tinh dịch đánh giá các chỉ số: mật độ tinh trùng, đo pH, nhuộm tinh trùng theo khuyến cáo của WHO để đánh giá tỷ lệ bất thường, tỷ lệ sống;
– Lọc rửa tinh trùng bằng phương pháp “thang nồng độ và bơi lên”;
– Cặn thu được dùng để thụ tinh trong ống nghiệm (dùng để cấy tinh trùng hoặc dùng để làm ICSI).
Điều 12. Quy trình chọc hút noãn làm thụ tinh trong ống nghiệm
1. Đại cương: chọc hút noãn là kỹ thuật noãn được lấy ra ngoài qua đường âm đạo bằng cách chọc hút dưới hướng dẫn siêu âm, sau đó cho thụ tinh với tinh trùng trong đĩa cấy.
2. Chỉ định: tất cả các trường hợp sau khi kích thích buồng trứng đã đủ điều kiện để lấy noãn.
3. Chuẩn bị:
a) Chuẩn bị người vợ/người phụ nữ sống độc thân: kích thích buồng trứng đến khi nang noãn trưởng thành.
b) Chuẩn bị phương tiện dụng cụ: máy siêu âm có đầu dò âm đạo, kính hiển vi soi nổi, tủ cấy;
c) Chuẩn bị vật tư tiêu hao: nước lau sạch âm đạo, gạc củ ấu, cốc, kẹp sát trùng, mỏ vịt, găng tay, ống nghiệm, kim chọc hút, bơm tiêm (hoặc máy hút), đĩa nhặt noãn, đĩa 2 lòng, đĩa 4 giếng, môi trường các loại.
4. Quy trình:
a) Thời điểm chọc hút: sau mũi tiêm hCG từ 34 đến 36 giờ;
b) Giảm đau bằng gây mê toàn thân hoặc gây tê tại chỗ, có thể kết hợp tiền mê;
c) Người vợ/người phụ nữ sống độc thân nhịn ăn trước khi chọc hút noãn, đi tiểu hết trước khi làm thủ thuật;
d) Làm sạch âm hộ, âm đạo, cổ tử cung bằng nước muối sinh lý;
đ) Trải săng vô trùng che chân và bụng người bệnh;
e) Tráng bơm tiêm, kim chọc hút noãn bằng môi trường dùng cho chọc hút noãn trước khi chọc hút;
g) Tiến hành chọc hút noãn dưới hướng dẫn của siêu âm, lần lượt chọc hút từng nang noãn một và từng bên buồng trứng một, toàn bộ quá trình chọc hút cần nhẹ nhàng, thực hiện dưới ánh sáng yếu;
h) Chuyển ngay dịch nang chọc hút được vào phòng Lab để tìm và nhặt noãn;
i) Tráng lại bơm tiêm và kim tránh sót noãn trong kim và bơm tiêm.
5. Theo dõi sau chọc hút:
a) Người vợ/người phụ nữ sống độc thân nằm nghỉ tại phòng sau chọc hút;
b) Theo dõi mạch, huyết áp, nhịp thở, đau bụng, chảy máu âm đạo từ 01 đến 02 giờ sau chọc hút;
c) Hướng dẫn người vợ/người phụ nữ sống độc thân sau chọc hút: dùng thuốc, hẹn ngày chuyển phôi.
6. Tai biến:
a) Chảy máu trong do chọc vào các mạch máu lớn trong ổ bụng, do làm tổn thương buồng trứng;
b) Nhiễm trùng do chọc hút vào ruột, đại tràng;
c) Chảy máu bàng quang do kim chọc vào bàng quang.
Điều 13. Quy trình chuyển phôi
1. Đại cương: chuyển phôi là kỹ thuật trong đó một hoặc nhiều phôi được chuyển vào buồng tử cung của người nhận để phôi làm tổ.
2. Chỉ định: tất cả các trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm khi có phôi chuyển sẽ tiến hành chuyển phôi vào ngày 2, ngày 3 hoặc ngày 5 sau chọc hút noãn.
3. Chống chỉ định: không có chống chỉ định nhưng có thể hoãn chuyển phôi trong một số trường hợp: quá kích buồng trứng, các trường hợp chưa chuẩn bị được niêm mạc tử cung.
4. Chuẩn bị:
a) Chuẩn bị người vợ/phụ nữ sống độc thân: dùng progesterone sau chọc hút noãn hoặc chuẩn bị niêm mạc bằng estrogen và progesterone nếu chuyển phôi đông lạnh hoặc xin noãn, xin phôi;
b) Chuẩn bị phương tiện, dụng cụ: máy siêu âm để chuyển phôi dưới hướng dẫn siêu âm, mỏ vịt, kẹp sát trùng, kẹp cổ tử cung, nong cổ tử cung (khi cần thiết), cốc đựng nước, kính hiển vi soi nổi;
c) Chuẩn bị vật tư tiêu hao: gạc lau âm đạo, tăm bông lau cổ tử cung, môi trường lau cổ tử cung, catheter chuyển phôi, đĩa chuẩn bị chuyển phôi.
5. Quy trình:
a) Thời điểm chuyển phôi: ngày 2, ngày 3 hoặc ngày 5;
b) Chuẩn bị phôi chuyển sẵn sàng trong đĩa, cần đối chiếu tên tuổi, số hồ sơ cẩn thận;
c) Người vợ/phụ nữ sống độc thân cần nhịn tiểu cho bàng quang căng;
d) Nằm tư thế phụ khoa;
đ) Vệ sinh vùng âm hộ;
e) Mở mỏ vịt, lau sạch cổ tử cung bằng môi trường chuyển phôi;
g) Luồn nhẹ nhàng catheter vỏ ngoài qua ống cổ tử cung vào đến eo tử cung, vừa luồn vừa quan sát dưới siêu âm qua đường bụng;
h) Thông báo cho bác sỹ mô phôi chuẩn bị hút phôi vào catheter lòng trong sau khi đã luồn được catheter vỏ ngoài vào qua eo tử cung;
i) Luồn nhẹ nhàng catheter lòng trong chứa phôi vào trong buồng tử cung, đầu catheter cách đáy tử cung khoảng 2 cm;
k) Bơm nhẹ nhàng đặt phôi vào trong buồng tử cung, không chuyển quá 5 phôi;
l) Nhẹ nhàng rút catheter ra khỏi buồng tử cung;
m) Kiểm tra lại catheter xem độ sạch, phôi còn sót lại không;
n) Tháo mỏ vịt;
o) Người vợ/phụ nữ sống độc thân nằm nghỉ ít nhất 30 phút trước khi ra về;
p) Hỗ trợ pha hoàng thể.
Benh.vn (Theo TT số 12/2012/TT-BYT ngày 15/07/2012)