Sinh bệnh học, chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh mày đay
Mục lục
Sinh bệnh học
1. Mày đay do cơ chế miễn dịch
Là phản ứng của da với sự giải phóng ra histamin, bradykinin, leukotriene C4, prostaglandin D2 và một số chất khác từ tế bào mast và bạch cầu ái kiềm vào trung bì. Các chất này làm thoát dịch vào trung bì, gây phù nề hình thành mày đay.
– Có 3 loại thụ thể histamin: histamin sẽ gắn kết với các thụ thể H1 (ở tim mạch, khí quản, ruột, tuyến nước bọt, hệ thần kinh), H2 (ở tim, dạ dày, thần kinh trung ương) và H3 (ở hệ thần kinh trung ương) gây nên các rối loạn như giãn các tiểu động mạch gây ứ máu mao mạch, tăng tính thấm thành mạch làm huyết tương thoát ra dịch kẽ, co thắt cơ tim, co thắt cơ trơn khí phế quản và kích thích thần kinh cảm giác. Các rối loạn trên sẽ thể hiện bằng các triệu chứng: da đỏ, sẩn phù, đau thắt tim, khó thở, ngạt thở, đau, ngứa.
– Quá trình này gây ra bởi nhiều cơ chế:
+ Đáp ứng dị ứng típ I IgE là qua phức hợp miễn dịch IgE kết hợp và liên kết chéo với phần thụ cảm Fc trên bề mặt tế bào mast và bạch cầu ái kiềm đưa đến giải phóng histamin.
+ Typ II dị ứng là đáp ứng qua trung gian bởi tế bào T gây độc gây ra sự lắng đọng của các globulin miễn dịch, bổ thể và fibrin ở quanh mạch máu từ đó dẫn đến viêm mao mạch mày đay.
+ Type III là các bệnh phức hợp miễn dịch liên quan đến lupus ban đỏ hệ thống và các bệnh tự miễn khác gây ra mày đay.
2. Mày đay không do cơ chế miễn dịch
– Mày đay do phức hợp bổ thể trung gian là do nhiễm virus và vi khuẩn, các bệnh huyết thanh và phản ứng truyền máu. Mày đay do phản ứng truyền máu xuất hiện khi các chất gây dị ứng trong tương bào của máu người cho sản xuất ra phản ứng với các kháng thể IgE tồn tại từ trước của người nhận.
– Một số loại thuốc (như opiodids, vecuronium, succinycholine, vancomycin và một số loại khác) như là các radiocontrast gây giải phóng hạt của tế bào mast không qua cơ chế chất trung gian IgE. Mày đay do vật lí bao gồm mày đay do đè ép tức thì, mày đay đè ép chậm, mày đay do lạnh và mày đay do tiết axetylcholin. Cuối cùng mày đay mạn không tìm thấy căn nguyên mặc dù đã nguyên cứu mọi khía cạnh thì được gọi là mày đay tự phát (idiopathic).
Chẩn đoán
– Khai thác tiền sử và khám lâm sàng: tìm căn nguyên
– Phân biệt với: hồng ban đa dạng, phản ứng do côn trùng đốt, và mày đay do viêm mao mạch
– Xét nghiệm: phần lớn các trường hợp mày đay không cần làm xét nghiệm. Tuy nhiên có thể làm những xét nghiệm sau giúp chẩn đoán một số trường hợp:
+ Đếm tế bào máu xác định bạch cầu đa nhân ái toan gây dị ứng và do kí sinh trùng; số lượng bạch cầu nếu lupus ban đỏ hệ thống.
+ Kháng thể tuyến giáp và chức năng trong mày đay mạn nếu nghi bệnh tự miễn.
+ Test lẩy da hoặc một số test đặc biệt về dị ứng (RAST, hoặc radiollergosorbent test hoặc CAP fluoroimmunoassay)
+ Tìm bổ thể trong các trường hợp phù mạch không kèm mày đay hoặc mày đay viêm mao mạch (urticarial vasculitis).
+ Sinh thiết da nếu mày đay kéo dài và xác định viêm mao mạch
Điều trị
Phụ thuộc vào các típ mày đay, mức độ trầm trọng và thời gian kéo dài bệnh.
– Tự chăm sóc:
+ Dừng tất cả các loại thuốc hoặc thực phẩm gây nghi ngờ dị ứng
+ Hạn chế gãi, trà xát mạnh trên da.
+ Có thể áp lạnh hoặc tắm lạnh, tránh tắm nóng
+ Tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp.
+ Tẩy giun sán, chống táo bón vì nếu có đây là những yếu tố gây độc nội tại làm tăng mày đay.
+ Mặc quần áo cotton nhẹ nhàng, vừa vặn
+ Tránh các hoạt động nặng nhọc hoặc bất cứ nguyên nhân gì gây ra mồ hôi.
+ Cố gắng nghỉ ngơi và giảm các stress. Nếu triệu chứng gây khó chịu, uống kháng Histamin với trường hợp nhẹ, nhưng có thể gây buồn ngủ nên phải thận trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc.
– Các trường hợp nặng: không được cố điều trị khi có phản ứng nặng hoặc chờ bệnh tự khỏi.
Hiện nay có một số thuốc kháng histamin thế hệ mới không gây buồn ngủ như:
+ Loratadine (Clarityne) 10mg x 1 viên
+ Cetirizine (Zyrtec) 10mg x 1 viên
+ Acrivastine (Semplex) 8mg x 3 viên
+ Astemizole (Hismanal) 10mg x 1 viên
Corticosteroide (uống hay tiêm): chỉ nên dùng trong điều trị mày đay cấp, nặng kèm phù thanh quản, một số trường hợp mày đay do viêm mạch, do chèn ép không đáp ứng với các thuốc kháng histamin thông thường. Không nên dùng để điều trị mày đay mạn tính tự phát.
Đối với mày đay mạn tính: do thường liên quan đến các bệnh lí bên trong nên bệnh nhân cần được khám chuyên khoa, làm thêm các xét nghiệm cần thiết để tìm đúng nguyên nhân và có cách điều trị thích hợp.
– Theo dõi
Xem xét tất cả các loại thuốc dùng. Điều này làm giảm nguy cơ mày đay và phù Quinck tái phát.
– Tiếp xúc với nhân viên y tế hoặc trở lại bệnh viện nếu như có bất cứ triệu chứng nào sau đây:
+ Có các dát hoặc xưng nề hoặc tình trạng xấu hơn.
+ Các khó khăn với thuốc
+ Các triệu chứng mới
+ Đau hoặc xưng miệng, lưỡi, họng
+ Sốt hay rét run
+ Khó thở hay khó nuốt
+ Nôn hay ỉa chảy
Phòng bệnh
– Tránh phơi nhiễm với các loại thực phẩm, thuốc và các yếu tố vật lí mà được xác định là gây mày đay hay phù Quinck
– Làm giảm các yếu tố tâm lí và các stress. Một số trường hợp đặc biệt, thì có thể sử dụng các kháng histamin và một số thuốc khác để kéo dài thời gian phòng bệnh mày đay và phù Qinck
PGS.TS Phạm Văn Hiển (Viện Da liễu Quốc gia)