Việc uống nhiều rượu ít nhiều gây tổn thương cho niêm mạc đường tiêu hóa, làm giảm sự hấp thu thức ăn, có thể gây thiếu hụt nhiều chất, trong đó biểu hiện thiếu hụt vitamin B1 (thiamin) xuất hiện đầu tiên.
Ngoài lý do giảm sự hấp thu qua đường tiêu hóa, còn phải kể đến sự tăng cường chuyển hóa thiamin ở gan và tiêu thụ nhiều thiamin trong quá trình chuyển hoá ethanol, vì chất này cần thiết cho sự hoạt động của enzym aldehyd dehydrogenase. Tính trung bình, cứ hai người nghiện rượu thì có một người thiếu hụt vitamin B1. Những triệu chứng xuất hiện đầu tiên khi thiếu hụt vitamin B1 là những triệu chứng về thần kinh (viêm đa giây thần kinh cảm giác và vận động). Khi thiếu hụt lâu dài sẽ có biểu hiện suy tim. Ngoài ra, bệnh Gayet – Wernicke về não, bệnh loạn thần Korsakoff là những bệnh lý về tâm thần trong đó nguyên nhân quan trọng là thiếu hụt vitamin B1.
– Hiện tượng thiếu hụt vitamin B9 (acid folic) cũng xảy ra khi uống nhiều rượu và thể hiện ở triệu chứng thiếu máu hồng cầu to.
– Hiện tượng thiếu hụt vitamin B6 (pyridoxin) thể hiện ở hiện tượng viêm da tiết bã nhờn và có thể liên quan đến sự xuất hiện các rối loạn thần kinh – tâm thần ở người nghiện rượu.
– Hiện tượng thiếu hụt vitamin PP(nicotinamid) thường xuất hiện muộn hơn các thiếu hụt nói trên và thể hiện ở nhiều trạng thái bệnh lý khác nhau (ban đỏ ngoài da, viêm lưỡi, viêm dạ dày, loạn thần)
Việc thiếu các vitamin B này cần được điều trị nhờ một khẩu phần thích hơp và bổ sung thêm các vitamin này.
Cần ăn những ngũ cốc nguyên hạt. Cần bổ sung ngay và đều đặn các viên thuốc vitamin B complex, hoặc vitamin B1 và B6 trong một thời gian để làm giảm tình trạng thiếu hụt và tái lập lại các kho dự trữ bên trong tế bào. Nhưng không dùng vitamin B6 quá lâu, khi dùng với liều cao, vì có thể gây bệnh về thần kinh cảm giác. Vì vậy, sau một thời gian, chỉ dùng riêng vitamin B1 khi những triệu chứng nhiễm độc rượu vẫn còn thể hiện.
Vitamin B9 (acid folic) thì chỉ nên dùng từng đợt cách quãng. Sau đó, khi thể tích huyết cầu trung bình đã trở lại bình thường, mà vẫn chưa thể kết luận là đã hết nhiễm độc rượu, thì lúc này sẽ xét từng trường hợp cụ thể xem có cần bổ sung vitamin PP hay không.
– Hiện tượng thiếu hụt vitamin B12 cũng có thấy xuất hiện, nhưng hiếm hơn, vì thông thường cơ thể dự trữ loại vitamin này với lượng đủ dùng trong nhiều năm, và những khẩu phần bình thường cũng có vitamin B12 thừa đủ cho nhu cầu của cơ thể. Nhưng trong những trường hợp nghiện rượu đã lâu năm, hoặc trong một số trạng thái bệnh lý khác nhau (như bệnh Biermer), có thể có thiếu hụt vitamin B12, và khi đó cần có liệu pháp bổ sung.
Tác hại của việc thiếu các vitamin này
Cơ thể chúng ta khi thiếu bất cứ một vitamin nào cũng đều không có lợi chẳng hạn, thiếu vitamin B1 có thể gây suy tim, thiếu vitamin B3 có thể gây rối loạn cho toàn bộ cơ thể và có thể dẫn đến bệnh pellagra – biểu hiện là các bệnh viêm da, tiêu chảy và tâm thần phân liệt.
Vì vậy, không nên uống nhiều rượu. Cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, không nên thức khuya, cai thuốc lá, cai rượu, ăn nhiều hoa quả và rau xanh.
Benh.vn (Theo trung tâm Dị ứng Quốc gia)