Độ nhớt của máu và cách xét nghiệm sinh hóa độ nhớt của máu
Mục lục
Sinh lý độ nhớt của máu
Máu là một dịch treo các hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu trong môi trường huyết tương.
Dòng chảy của máu trong một lòng mạch phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
– Áp lực động mạch.
– Áp lực tĩnh mạch.
– Bán kính của lòng mạch.
– Chiều dài mạch.
– Độ nhớt của máu.
Toàn bộ các thông số trên được diễn tả trong định luật Poiseulle, định luật này chi phối lưu lượng những chất dịch trong một ống đồng tâm theo kiểu của một dòng chảy gồm nhiều lớp mỏng.
Định luật của Poiseulle: Q = (PA – PV) πr4/8Lη
Trong đó: Q: lưu lượng máu
PA-PV: khác biệt về áp lực giữa động mạch và tĩnh mạch
L: chiều dài của mạch
η: độ nhớt của máu
r: bán kính của mạch máu
Như công thức chỉ dẫn:
1. Dòng chảy của máu tương quan thuận với:
– Chênh lệch áp lực giữa hệ thống động mạch và hệ thống tĩnh mạch.
– Bán kính của lòng mạch.
2. Dòng chảy của máu tương quan nghịch với:
– Chiều dài của mạch.
– Độ nhớt của máu.
Trong điều kiện bình thường, tăng độ nhớt của máu không gây giảm đáng kể dòng chảy của máu ở ngoại vi nhờ cơ chế dãn mạch bù trừ (làm tăng bán kính r của lòng mạch).
Trái lại, trong các bệnh lý của động mạch khi tình trạng dãn mạch đã được huy động tới mức tối đa (Vd: BN bị ĐTĐ, viêm động mạch), tất cả mọi trường hợp tăng độ nhớt máu có thể gây rối loạn lưu lượng máu và dẫn tới thiếu máu cục bộ động mạch tới mức có thể gây hoại tử mô.
Độ nhớt của máu phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như:
1. Số lượng các thành phần tế bào: Tình trạng đa hồng cầu hay tăng tiểu cầu hay tăng số lượng bạch cầu nặng đều có thể làm tăng độ nhớt của máu.
2. Mức độ cô đặc máu: Tình trạng cô đặc máu thường đi kèm với tăng độ nhớt của máu.
3. Khả năng biến dạng của hồng cầu: Đường kính trung bình của mao mạch nói chung < 5 μ, trong khi đó đường kính trung bình của hồng cầu là 7-8 μ. Chính vì vậy, hồng cầu phải thay đổi hình dạng để có thể đi xuyên qua các mao mạch ngoại vi. Một số bệnh lý, như thiếu máu hồng cầu hình liềm đi kèm với giảm khả năng thay đổi hình dạng của các hồng cầu với tăng thứ phát độ nhớt của máu.
4. Khả năng kết tập của hồng cầu: Fibrinogen, các globulin, các lipoprotein tỷ trọng rất thấp (VLDL) và các phức hợp miễn dịch lưu hành là các protein ngưng tập có khả năng kết nối các hồng cầu lại với nhau để tạo các cuộn hồng cầu. Các hồng cầu kết tập này gây giảm dòng chảy của máu và làm tăng độ nhớt của máu.
5. Độ nhớt huyết tương: Tăng protein có TLPT cao (fibrinogen hay gammaglobulin typ lgM) làm tăng độ nhớt huyết tương, vì vậy làm tăng độ nhớt máu. Ngoài ra, các protein này gây hình thành các cuộn hồng cầu và dễ làm xuất hiện các biến chứng huyết khối.
Có thể tóm tắt các tác động của tình trạng tăng độ nhớt như sau:
Có nhiều bệnh lý thường phối hợp với biến chứng huyết khối và đi kèm với tình trạng tăng độ nhớt của máu, tăng kết tập hồng cầu hay giảm khả năng thay đổi hình dạng của hồng cầu. Trong số các bệnh lý này, có thể kể tới bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp hay tăng lipid máu.
Tuy nhiên thường khó xác định các bất thường được phát hiện thực sự là nguyên nhân hay hậu quả của các tai biến huyết khối trên lâm sàng.
Cần nhấn mạnh là tình trạng tăng độ nhớt của máu hay tăng kết tập hồng cầu thường gặp ở BN ĐTĐ hay BN tăng huyết áp trước khi thấy xuất hiện các biến chứng mạch máu. Đó là một bằng chứng ủng hộ cho giả thuyết cho rằng: các bất thường lưu lượng dòng chảy của máu tồn tại từ trước có thể là nguyên nhân của các biến chứng mạch máu ngoại vi và điều trị dự phòng bằng các thuốc đặc biệt đôi khi có thể giúp ngăn ngừa hay làm chậm xuất hiện các biến chứng.
Nhiều chất có tác dụng dược lý làm giảm độ nhớt của máu, cải thiện tình trạng thay đổi hình dạng của hồng cầu và làm giảm độ kết tập hồng cầu. Tác dụng của các thuốc này trên các thông số lưu lượng dòng chảy của máu cho phép giải thích tác dụng hữu ích của thuốc trên vi tuần hoàn của bệnh nhân có nguy cơ bị tác mạch do tăng độ nhớt máu.
Cách lấy bệnh phẩm
Máu toàn phần được chống đông bằng heparin.
Giá trị bình thường: 2,3 – 4,1 Centipoise (370C).
Tăng độ nhớt của máu
Các nguyên nhân chính thường gặp là:
1. Tăng các thành phần tế bào trong máu
– Đa hồng cầu tiên phát hay thứ phát.
– Tăng tiểu cầu.
– Tăng bạch cầu nặng.
2. Cô đặc máu
– Mất nước.
– Bỏng.
– Đái nhiều.
– ỉa chảy nặng.
3. Giảm tính thay đổi hình dạng của các hồng cầu
– Thiếu máu hồng cầu hình liềm.
– Đái tháo đường.
– Tăng cholesterol máu.
– Tăng triglycerit máu.
– Nhiễm toan chuyển hoá.
4. Tăng tính kết tập hồng cầu
– Tăng fibrinogen máu.
– Tăng globulin máu.
– Có mặt phức hợp hemoglobin – haptoglobin trong các thiếu máu do tan máu.
– Tăng lipid máu.
– Có phức hợp miễn dịch lưu hành trong máu.
– Đái tháo đường.
– Hạ thân nhiệt.
– Tăng cô đặc máu.
5. Tăng độ nhớt huyết tương
– Tăng fibrinogen máu.
– Tăng gamaglobulin máu typ lgM (bệnh Waldenstrom).
– Tăng gamaglobulin máu typ lgG.
– Tăng cholesterol máu.
– Tăng yếu tố von Willebrand.
Lợi ích của xét nghiệm đo độ nhớt máu
1. Xét nghiệm rất có giá trị trong đánh giá các bệnh lý huyết khối.
2. Xét nghiệm có giá trị đối với các bệnh nhân bị:
– Đái tháo đường.
– Tăng huyết áp.
– Tăng cholesterol máu.
– Viêm động mạch chi dưới.
– Đa hồng cầu.
– Tăng gamaglobulin máu.
3. XN hữu ích để phát hiện hội chứng tăng độ nhớt máu hay để quyết định một lựa chọn điều trị.