Gan nhiễm mỡ độ 2 hay gan nhiễm mỡ kèm viêm là một tình trạng nghiêm trọng của bệnh gan nhiễm mỡ. Gan nhiễm mỡ độ 2 có thể tiến triển thành xơ gan, ung thư gan và suy gan. Bệnh thường không có biểu hiện ra bên ngoài. Vì thế, bệnh nhân cần đi khám định kỳ để biết được liệu mình có mắc bệnh hay không.
Mục lục
Vậy, gan nhiễm mỡ độ 2 có nguy hiểm hay không? Hãy cùng benh.vn tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Gan nhiễm mỡ là một căn bệnh tiến triển thầm lặng và không thường phát ra các triệu chứng hoặc nếu có cũng chỉ rất nhẹ, không dễ nhận thấy, chẳng hạn như mệt mỏi ở những giai đoạn đầu của bệnh. Những dấu hiệu đầu tiên của bệnh gan nhiễm mỡ chỉ thực sự xuất hiện khi bệnh đã tiến triển tới giai đoạn xơ gan, thường là nhiều năm sau đó.
Xơ hóa gan và xơ gan
Viêm và tổn thương tế bào gan ở những người mắc gan nhiễm mỡ độ 2 có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Xơ hóa gan là quá trình gan bị viêm bắt đầu xơ hóa. Nếu không được điều trị kịp thời, các mô xơ sẽ nhân rộng và thế chỗ của các mô gan khỏe dẫn tới xơ gan. Khoảng 20% những người mắc gan nhiễm mỡ độ 2 sẽ bị mắc xơ gan một vài hoặc nhiều năm sau đó. Một khi bệnh đã đi tới giai đoạn xơ gan, các cơ hội phục hồi hoàn toàn đã hết, lúc này việc điều trị chỉ tập trung vào việc ngăn bệnh không trở nên nặng hơn hoặc làm chậm quá trình tổn thương diễn ra ở gan. Việc điều trị xơ gan thường gồm uống thuốc, phẫu thuật và một số phương pháp khác. Ưu tiên lúc này là bảo vệ các mô gan khỏe còn lại.
Suy gan
Nếu không được điều trị, xơ gan sẽ dẫn tới suy giảm chức năng gan hoặc ngừng hẳn chức năng gan, tình trạng này được hiểu là suy gan. Quá trình suy giảm chức năng gan thường diễn ra từ từ, thường là vài năm. Bệnh nhân suy gan thường được điều trị bằng cách cấy ghép gan.
Ung thư gan
Một trong những biến chứng của gan nhiễm mỡ độ 2 là ung thư gan. Ung thư gan là sự tăng sinh và di căn của các tế bào ung thư tại gan. Ung thư bắt đầu tại gan được gọi là ung thư gan nguyên phát hay ung thư tế bào gan (HCC). Ung thư tế bào gan là dạng thường gặp nhất của ung thư gan nguyên phát. Gan nhiễm mỡ được coi là nguyên nhân phổ biến thứ 3 gây nên bệnh ung thư tế bào gan tại Mỹ, chỉ sau viêm gan C và các bệnh về gan do uống bia rượu.
Bệnh tim mạch và tiểu đường tuýp 2
Gan nhiễm mỡ độ 2 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và tiểu đường tuýp 2 và ngược lại. Đây là quan hệ 2 chiều. Trên thực tế, các bệnh về tim mạch là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới các trường hợp tử vong ở người mắc bệnh gan nhiễm mỡ.
Điều trị gan nhiễm mỡ độ 2
Điều trị gan nhiễm mỡ độ 2 trước tiên thường tập trung vào việc giảm cân bằng cách giảm lượng calo trong khẩu phần ăn, tập luyện và ăn uống lành mạnh. Giảm cân sẽ giúp giảm mỡ và giảm viêm ở gan. Những thay đổi về lối sống như dưới đây rất quan trọng trong việc điều trị bệnh gan nhiễm mỡ:
Giảm cân: Giảm cân là phương pháp điều trị gan nhiễm mỡ nói chung và gan nhiễm mỡ độ 2 hiệu quả nhất, giảm cân giúp kiểm soát các yếu tố góp phần gây nên bệnh. Chỉ cần giảm từ 3-5% trọng lượng cơ thể đã có thể giúp giảm bớt phần nào mỡ ở gan, giảm 7% trọng lượng cơ thể tăng hiệu quả giảm viêm. Nếu bị thừa cân hoặc béo phì, bệnh nhân cần giảm từ 7-10% tổng trọng lượng cơ thể trong thời gian 1 năm. Lưu ý, không nên giảm cân bằng cách nhịn ăn. Dưới đây là một số cách giảm cân hiệu quả:
- Giảm tổng số calo tiêu thụ trong ngày
- Ăn một chế độ ăn lành mạnh gồm nhiều trái cây, rau củ, các loại ngũ cốc nguyên cám, giảm chất béo bão hòa và các sản phẩm từ động vật như thịt, thay dầu động vật bằng dầu thực vật.
- Giảm lượng đường và muối trong khẩu phần ăn, đặc biệt nên tránh các loại đồ uống có chứa nhiều đường như soda, nước ép trái cây, nước bù điện giải và trà ngọt. Tiêu thụ quá nhiều fructose (một trong những chất tạo ngọt có trong các loại đồ uống) làm tăng nguy cơ mắc béo phì, tiểu đường tuýp 2, hội chứng chuyển hóa và gan nhiễm mỡ.
Tập luyện:Tập luyện chưa bao giờ là thừa với những lợi ích như giúp kiểm soát cân nặng, tăng cường miễn dịch, giảm căng thẳng, lo âu. Hãy dành 30 phút mỗi ngày cho việc tập luyện. Tùy thuộc vào mức cân nặng muốn giảm mà bệnh nhân có thể tăng cường độ tập luyện lên cho phù hợp. Bên cạnh đó, tập luyện không có nghĩa là phải tới phòng tập mà có thể chỉ đơn giản là các hoạt động như đi bộ, làm vườn hoặc thậm chí là làm việc nhà.
Kiểm soát bệnh tiểu đường: Luôn kiểm soát chỉ số đường huyết và uống các loại thuốc như đã được chỉ định.
Hạ nồng độ cholesterol: Giảm tiêu thụ các loại chất béo bão hòa có trong các loại thịt động vật, da của các loại gia cầm, bơ, mỡ, sữa và các sản phẩm từ sữa (ngoại trừ các sản phẩm tách kem). Thay thế chúng bằng các loại chất béo không bão hòa đơn có trong dầu oliu, dầu hạt cải, dầu lạc hoặc các loại chất béo không bão hòa đa có trong dầu ngô, dầu hồng hoa, dầu đậu nành và nhiều loại hạt khác. Bên cạnh đó, omega 3 (một loại chất béo không bão hòa đa) có trong dầu của cá hồi, dầu hạt lanh và dầu hạt óc chó đặc biệt tốt trong việc giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Một chế độ ăn lành mạnh kết hợp với việc tập luyện và duy trì uống các loại thuốc hạ nồng độ cholesterol giúp duy trì nồng độ cholesterol và chất béo trung tính ổn định.
Bảo vệ gan: Một số việc làm giúp giảm sức ép cho gan bao gồm:
- Không uống rượu bia
- Chỉ được phép uống các loại thuốc kê đơn hoặc không kê đơn theo chỉ dẫn của bác sĩ
- Cẩn trọng khi sử dụng các loại thực phẩm chức năng. Một số loại vitamin như vitamin A, sắt, niaxin có thể gây hại cho gan nếu sử dụng với liều cao.
- Kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm có tên thảo dược thiên nhiên
- Tiêm vắc xin phòng viêm gan A, viêm gan B. Mắc đồng thời viêm gan A hoặc viêm gan B cùng với gan nhiễm mỡ làm tăng nguy cơ bị suy gan.
Do việc điều trị bệnh gan nhiễm mỡ còn nhiều hạn chế, việc điều trị chủ yếu tập trung vào giảm các tổn thương ở gan mà không thể ngăn chặn hoàn toàn được bệnh. Bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ độ 2 cần hạn chế tối đa các nguy cơ khiến bệnh nặng hơn bằng cách ngừng uống bia rượu, giảm cân, duy trì đường huyết ổn định, hạ nồng độ cholesterol, ăn chế độ ăn lành mạnh kết hợp với tập luyện…