Xã hội phát triển, cuộc sống đầy đủ, sung túc vì vậy tuổi thọ con người ngày càng cao hơn. Ở nước ta, tại các tỉnh, thành phố lớn xuất hiện ngày càng nhiều trung tâm với mục đích hướng dẫn người dân luyện tập, rèn luyện về thể chất, khí lực và tinh thần… các phương thức sinh hoạt, hình thức tập luyện để bảo trì, nuôi dưỡng sự sống – Đó chính là dưỡng sinh.
Mục lục
Để góp phần gia tăng tuổi thọ, sống vui, sống khỏe, Benh.vn sẽ giúp các độc giả tìm hiểu và bổ sung vào bộ sưu tập của mình những bài dưỡng sinh “có một không hai” của các vị vua chúa, gương sống dưỡng sinh của một số bậc danh nhân Trung quốc thời xưa.
Dưỡng sinh thực chất là một khoa học tổng hợp, phép dưỡng sinh có ba bộ phận: “sinh lý”, “tâm lý” và “triết lý”. Đó là ba cái “lý” quan trọng nhất và cũng là ba mức độ cao thấp và nông sâu khác nhau. Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu:
Dưỡng sinh sinh lý
Dưỡng sinh cổ đại coi trọng bốn qui tắc gọi là “đạo” dưới đây:
Đạo “động dưỡng”, đó là rèn luyện thân thể một cách thích hợp, khiến cho gân cốt linh hoạt và khí huyết lưu thông.
Đạo “tĩnh dưỡng”, đó là để cho thân thể được nghỉ ngơi, giảm bớt sự tiêu hao năng lượng vô ích.
Đạo “thực dưỡng”, tức là phép ăn uống có điều độ và cân bằng dinh dưỡng.
Đạo “cư dưỡng”, tức là chú ý giữ nơi ở cho sạch sẽ, gọn gàng, thoáng đãng nhưng không có gió lùa ..
Đứng trên quan điểm ngày nay, bốn thứ “đạo” nói trên đơn thuần là dưỡng sinh về phương diện sinh lý; và có thể nói đó là cách dưỡng sinh thông thường, dưỡng sinh ở “tầng nông”.
Dưỡng sinh tâm lý
Trong dưỡng sinh tâm lý, chú trọng đến hai phương diện: “điều tiết tình chí” và “tu dưỡng đức hạnh” bởi vì sự biến động của tình chí và đạo đức có liên quan hết sức mật thiết đến sức khỏe tâm thần của con người.
“Tình chí” gồm hỷ, nộ, ưu, tư, bi, khủng, kinh. “Hỷ” là vui; “nộ” là tức giận; “ưu” là lo lắng; “tư” là nghĩ ngợi, “bi” là buồn; “khủng” là sợ hãi; “kinh” là ngạc nhiên quá mức, sửng sốt đến mức không chịu đựng nổi.
Trong Đông y “Tình chí” là “Thất tinh” . Đó là bảy trạng thái tinh thần được hình thành do sự kích thích của các nhân tố từ bên ngoài. Đó là sự phản ứng của cơ thể về phương diện tâm lý. Trong những tình huống thông thường, chúng không gây nên bệnh. Thế nhưng, khi những kích thích và phản ứng nói trên quá mạnh hoặc quá lâu dài, hoặc cơ thể quá mẫn cảm, thì bệnh tật có thể phát sinh: quá vui thì hại “tâm”, tức giận thì hại “can”, nghĩ ngợi quá nhiều làm hại “tỳ”, u buồn thì hại “phế”, sợ hãi thì hại “thận” …
Chính vì vậy cho nên cần biết cách điều tiết tinh thần và tình cảm, và quan trọng nhất là giữ cho “tình chí” được trung hòa; tức là giữ cho tinh thần và tình cảm ở trạng thái quân bình. Làm được như vậy thì chân khí không bị nhiễu loạn, lục phủ ngũ tạng hoạt động điều hòa, tà khí từ bên ngoài không thể xâm nhập vào cơ thể. Nhờ vậy bệnh tật không thể phát sinh, cơ thể được khỏe mạnh và tuổi thọ kéo dài.
“Đức hạnh” nói về hành vi đạo đức. Người giỏi dưỡng sinh lấy đức hạnh làm đầu và phối hợp với điều dưỡng thân thể. Có đức hạnh thì tâm lý được bình an, ý chí không bị rối loạn, nhờ vậy mà khí huyết điều hòa, bệnh tật không thể phát sinh. Danh y Tôn Tư Mạc đã nói: Dưỡng sinh là bồi dưỡng cho mình cái tính thiện. Bản tính đã thiện thì bệnh tật từ trong hay từ ngoài đều không thể sinh ra; đó chính là đạo lớn của phép dưỡng sinh. Bản thân Tôn Tư Mạc đã thực hành theo “đại đạo dưỡng sinh” đó, cho nên cụ đã thọ đến trên trăm tuổi, ngoài trăm tuổi vẫn tiếp tục chữa bệnh cứu người và nghiên cứu y thuật.
Nếu như “dưỡng sinh sinh lý” thuộc “tầng nông”, thì “dưỡng sinh tâm lý” là dưỡng sinh ở “tầng sâu”.
Dưỡng sinh triết lý
Lĩnh vực dưỡng sinh này liên quan đến quan niệm sống của mỗi con người.
Lão Tử một triết nhân vĩ đại, ông tổ của Đạo giáo, đồng thời cũng là một trong những vị tổ của phép dưỡng sinh phương Đông, thường khuyên răn người đời nên coi nhẹ danh lợi, nên khiêm nhường, nhu thuận, không tranh chấp, nên “cư hạ” (ở dưới) và “cư hậu” (ở sau) mọi người. Theo ông, sống như vậy, thì sinh mệnh sẽ giữ được vẹn toàn. Quá ham mê tranh giành danh lợi, nhất định sẽ dẫn đến tổn thất lớn. Biết cái đủ (“tri túc”) thì sẽ không bị nhục, biết dừng lại đúng lúc (“tri chỉ”) sẽ tránh được nguy hiểm. Như thế là nắm được “đạo” và sẽ được trường cửu”.
Khổng Tử: Mỗi tuổi một lối dưỡng sinh
Khổng Tử không chỉ là nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà giáo dục mà còn là nhà khoa học về dưỡng sinh. Trong hoàn cảnh đương thời, khi tuổi thọ bình quân chỉ là 30 thì Khổng Tử đã thọ tới 73 tuổi.
Trong thiên Lý thị sách Luận ngữ, Khổng Tử nói rằng ở mỗi độ tuổi, con người ta có những yêu cầu khác nhau về dưỡng sinh. Ông viết: “Quân tử có 3 chặng đời: Niên thiếu huyết khí chưa định, tránh “sắc”; Tráng niên huyết khí sung mãn, tránh “đấu”; Có tuổi huyết khí suy nhược, tránh “đắc”. Theo cách giải thích của Khổng Tử và vận dụng kinh nghiệm lâm sàng ngày nay, có thể diễn giải là:
Tuổi thiếu niên cơ thể chưa phát triển đầy đủ, nên tránh sắc dục vì sắc dục sớm làm tổn hại sinh lực, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng bình thường. Mặt khác có thể ảnh hưởng xấu đến đạo đức con người trong cuộc đời.
Tráng niên tránh “đấu”, theo giải thích của Khổng Tử là “đấu khí”, “đấu dũng”, “đấu thắng”, tóm lại là tránh cương cường hiếu thắng. Theo y hoc hiện nay, người có tính khí cương cường hiếu thắng chiếm tỷ lệ rất cao về chứng cao huyết áp, vì họ thường xuyên sống trong tâm trạng căng thẳng. Người tráng niên cần chú ý điều tiết khí độ, nên nhớ câu “tri túc thường lạc” (biết đủ thì thường xuyên vui vẻ) để tránh bệnh tật và tăng tuổi thọ.
Còn như người có tuổi, các chức năng cơ thể đã suy yếu, cả thể lực lẫn tinh lực đều suy giảm, cần cảnh giác trước lòng tham muốn được (“đắc”) thêm thứ mà mình đã được, dẫn đến tiếp tục lao tâm, lao lực rất hại cho sức khỏe và tuổi thọ.
Càn Long: “Mười điều thường trực dưỡng sinh đến già”
Phần đông các ông vua trong lịch sử đều rượu chè, trụy lạc nên tuổi thọ rất ngắn. Duy chỉ có vua Càn Long đời nhà Thanh thọ tới 89 tuổi. Bí quyết của ông là suốt đời kiên trì nghiêm ngặt thuật dưỡng sinh “mười điều thường trực” đến già không bỏ. Mười điều dưỡng sinh ấy có thể diễn đạt vắn tắt là:
1. Răng thường đánh
Hai hàm răng đánh vào nhau thành tiếng. Đó là cách luyện cơ chân răng cho chắc, khỏe, giúp răng bền chắc, tránh các bệnh về răng, răng khó rụng, lại giúp cả cơ mặt hoạt động, góp phần làm tăng lưu thông máu lên não…
2. Bọt thường nuốt
Vì nước bọt giúp điều hòa dịch vị, tăng khả năng hấp thụ thức ăn, tránh được bệnh viêm loét dạ dày cũng như nhiều bệnh đường tiêu hóa…
3. Tai thường rung
Hai bàn tay áp vào hai tai, vỗ nhẹ liên hồ hoặc hai ngón tay nút vào hai lỗ tai rồi rút mạnh ra, cứ thế liên tiếp nhiều lần. Như thế màng nhĩ thường được rung, tránh được trạng thái chùng màng nhĩ khi có tuổi, khiến cho tai thính cả lúc tuổi già.
4. Mũi thường vuốt
Hai bàn tay xát nóng, vuốt hai bên mũi nhiều lần, có thể phòng cảm mạo, viêm mũi.
5. Mắt thường đảo
Ngưng mắt nhìn xa, đảo nhãn cầu nhiều lần, tiếp đến lại ngưng mắt chăm chú, rồi lại đảo nhãn cầu. Luyện tập như thế giúp tăng thị lực, phòng được các chứng hoa mắt, suy giảm thị lực…
6. Mặt thường xát
Hai bàn tay xoa vào nhau cho nóng lên rồi xoa mặt nhiều lần. Xoa mặt làm tăng lưu thông huyết dịch ở mặt, tránh hoặc giảm được nếp nhăn, lại có thể phòng các bệnh về da mặt.
7. Chân thường vuốt
Thường xoa vuốt chân từ bàn chân tới đùi, có thể làm giảm tình trạng đọng máu, phòng được nhiễm lạnh cơ thể từ chân, nên phòng được các bệnh ở chân cũng như chứng mất ngủ…
8. Bụng thường xoa
Dùng bàn tay xoa trên vùng bụng, giúp dạ dày, ruột được vận động nhẹ, tăng khả năng tiêu hóa, ăn ngon miệng, phòng được các chứng chướng bụng, bí trung tiện…
9. Chi thường duỗi
Tứ chi thường co vào duỗi ra nhiều lần, có thể giúp khí huyết toàn thân lưu thông, phòng được các chứng thiểu năng tuần hoàn não cũng như các chứng về mạch…
10. Hậu môn thường động
Mỗi ngày dành vài lần tập trung tinh thần làm co duỗi hậu môn, có thể phòng được viêm tuyến tiền liệt cũng như các bệnh đi lỏng mãn tính…
Hiểu rõ và ứng dụng tốt 3 nguyên tắc: “sinh lý”, “tâm lý” và “triết lý” trong phép dưỡng sinh giúp con người luôn khỏe mạnh, tự tin và yêu đời.
ĐHA – Benh.vn