Thoái hoá khớp là bệnh có thể ngăn ngừa được. Ngoài lý do chấn thương và khớp làm việc quá tải, một nguyên nhân gây bệnh khá phổ biến hiện nay gây bệnh thoái hóa khớp là bệnh béo phì. Khi đã bị thoái hóa khớp, ngoài các biện pháp điều trị bằng thuốc, vật lý trị liệu, bệnh nhân nên áp dụng 10 biện pháp được các nhà chuyên môn đưa ra để hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp.
Mục lục
- 1 1. Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức độ thích hợp
- 2 2. Chăm vận động
- 3 3. Giữ tư thế cơ thể luôn thẳng
- 4 4. Sử dụng các khớp lớn trong mang vác nặng
- 5 5. Giữ nhịp sống thoải mái
- 6 6. Phải biết “lắng nghe” cơ thể
- 7 7. Thay đổi tư thế thường xuyên
- 8 8. Tránh luyện tập “như một chiến binh”
- 9 9. Bảo vệ cơ thể trước những bất trắc trong sinh hoạt
- 10 10. Đừng ngại ngần yêu cầu trợ giúp
1. Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức độ thích hợp
Béo phì là một trong những nguyên nhân gây thoái hoá khớp. Khi bạn càng béo, sức nặng đè lên khớp càng lớn, nhất là vùng lưng, khớp háng, khớp gối và bàn chân.
2. Chăm vận động
Luyện tập thể dục, thể thao vừa sức sẽ giúp cơ bắp khỏe mạnh, máu huyết lưu thông dễ dàng. Ngoài ra đó còn là yếu tố giúp tăng cường dinh dưỡng cho lớp sụn khớp. Cơ bắp khỏe mạnh sẽ giúp giảm lực đè ép lên khớp xương trong vận động.
Chăm chỉ luyện tập giúp chống thoái hóa khớp
3. Giữ tư thế cơ thể luôn thẳng
Tư thế tốt sẽ giúp bảo vệ các khớp, tránh sự đè ép không cân đối. Ở tư thế thẳng sinh lý, diện tích tiếp xúc giữa hai mặt khớp sẽ đạt mức tối đa, vì thế lực đè ép sẽ tối thiểu. Tư thế này cũng tạo sự cân bằng lực giữa các dây chằng và cơ bắp quanh khớp, giúp giảm bớt nhiều nhất lực đè ép lên hai mặt sụn khớp.
4. Sử dụng các khớp lớn trong mang vác nặng
Khi nâng hay xách đồ nặng, bạn cần chú ý sử dụng lực cơ của các khớp lớn như ở tay là khớp vai, khớp khửu; ở chân là khớp háng, khớp gối. Khéo léo sử dụng nguyên tắc đòn bẩy ở những khớp lớn để tránh làm tổn thương các khớp nhỏ.
5. Giữ nhịp sống thoải mái
Bạn nên sắp xếp công việc hợp lý, hài hòa giữa nghỉ ngơi và lao động. Nên nhớ rằng các cơ quan trong cơ thể đều cần có sự nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng. Không nên lặp đi lặp lại một công việc hay tư thế làm việc kéo dài quá sức chịu đựng của cơ thể. Lực tác động không lớn nhưng nếu lặp đi lặp lại trong thời gian quá dài sẽ làm tổn thương khớp.
6. Phải biết “lắng nghe” cơ thể
Cơ thể chúng ta có cơ chế báo động rất tuyệt vời. Khi có vấn đề, nó sẽ báo ngay cho bạn. Trong đó, đau là dấu hiệu chủ yếu. Phải ngưng ngay lập tức các vận động nếu chúng gây đau.
7. Thay đổi tư thế thường xuyên
Tránh nằm lâu, ngồi lâu, đứng lâu một chỗ vì sẽ làm ứ trệ tuần hoàn và gây cứng khớp. Có thể đây là yếu tố chính yếu gây ra thoái hóa khớp do nghề nghiệp, nhất là ở những người lao động trí óc.
8. Tránh luyện tập “như một chiến binh”
Khi khớp của bạn có vấn đề, bạn có thể thực hiện lời khuyên nên vận động của bác sĩ một cách hăng hái quá mức. Nỗi lo sợ bệnh tật khiến bạn vội vã lao vào tập luyện như những người lính cứu hỏa dập tắt đám cháy. Tuy nhiên, điều này không thể áp dụng cho tổn thương khớp. Sụn khớp phải trải qua một thời gian dài tác động mới bị hư hỏng; khi bạn cảm thấy đau nghĩa là nó đã hư khá nặng. Sự nghỉ ngơi sẽ làm ngừng gia tăng mức độ tổn thương. Bạn cũng nên vận động để tổn thương phục hồi nhưng phải bắt đầu bằng những động tác nhẹ nhàng và chậm rãi, sau đó mới tăng dần lên tùy vào sự phản ứng của cơ thể. Nếu quá gắng sức hay nóng nảy trong luyện tập để đốt cháy giai đoạn, bạn sẽ vô tình làm chết lớp sụn mới còn non yếu.
9. Bảo vệ cơ thể trước những bất trắc trong sinh hoạt
Khi ra khỏi nhà, bạn nên cẩn thận chuẩn bị những dụng cụ bảo vệ cổ tay và khớp gối, nhằm đề phòng những tình huống bất ngờ có thể làm bạn bị chấn thương.
10. Đừng ngại ngần yêu cầu trợ giúp
Bạn đừng nên làm một việc gì đó quá sức của mình. Nếu cảm thấy khó khăn, nên nhờ người khác trợ giúp, vì việc mang vác hay xách một vật nặng quá sức có thể làm tổn thương các cơ xương khớp và làm bạn đau nhức.